Theo báo cáo của WSJ, các quan chức Mỹ cho biết cửa hậu có mặt tại hầu hết thiết bị mạng cung cấp bởi Huawei trên toàn thế giới, cho phép công ty Trung Quốc truy cập mạng di động bất cứ lúc nào họ muốn. "Chúng tôi có bằng chứng cho thấy Huawei có khả năng bí mật truy cập thông tin cá nhân và dữ liệu 'nhạy cảm' trong các hệ thống mà họ quản lý, cũng như đã bán trên toàn thế giới", cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O'Brien, nói.
Cũng theo phía Mỹ, cửa hậu nhiều khả năng đã tồn tại hơn một thập kỷ qua, chủ yếu trên các thiết bị viễn thông 4G bán từ năm 2009. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ đã không tiết lộ chi tiết về việc thu thập dữ liệu cũng như các quốc gia bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, thông tin chi tiết vấn đề đã được Mỹ xếp loại cảnh báo "rất cao", từng chia sẻ cho các quốc gia đồng minh như Anh và Đức vào cuối 2019.
Phía Huawei phủ nhận cáo buộc, cho rằng đây là "những buộc tội vô căn cứ, lặp đi lặp lại mà không hề có bằng chứng cụ thể nào". Công ty Trung Quốc khẳng định cơ sở hạ tầng mạng sau khi được bàn giao cho đối tác, nhân viên hãng không được phép truy cập nếu không được đồng ý. Kể cả khi có cửa hậu, việc truy cập cũng "vô cùng khó khăn" và "sẽ bị phát hiện ngay lập tức".
Thông tin này xuất hiện sau gần một năm Mỹ đưa Huawei vào Danh sách thực thể với lý do "đe dọa an ninh quốc gia" (tháng 5/2019). Nhà Trắng nhiều lần cáo buộc hãng Trung Quốc lợi dụng việc xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông để theo dõi chính phủ. Tổng thống Mỹ năm ngoái cũng đã ký lệnh cấm công ty này tham gia vào quá trình triển khai hạ tầng mạng 5G và kêu gọi đồng minh làm điều tương tự. Ở chiều ngược lại, Huawei phủ nhận các cáo buộc, đồng thời kêu gọi không chính trị hóa công nghệ.
Bảo Lâm (theo Androidauthority)