Trong nghiên cứu công bố hôm 14/2, nhóm các nhà khoa học cho biết 7 biến thể này được phát hiện trên khắp đất nước, đều có đột biến ở cùng một vị trí trong gene của chúng. Nhiều loại trong số đó có nguy cơ lây nhiễm cao.
Jeremy Kamil, nhà virus học tại Trung tâm Khoa học Y tế Đại học Bang Louisiana, đồng tác giả nghiên cứu mới, cho biết hiện vẫn chưa rõ liệu thay đổi này có làm cho các biến thể dễ lây lan hơn hay không. Song vì thay đột biến xuất hiện trong một gene ảnh hưởng đến cách virus xâm nhập vào tế bào người nên các nhà khoa học không khỏi lo ngại. Tiến sĩ Kamil nói: "Tôi nghĩ rằng có một dấu hiệu rõ ràng về lợi ích tiến hóa".
Không có gì lạ khi các chủng khác nhau tiến hóa độc lập theo cùng một hướng. Charles Darwin đã công nhận sự tiến hóa hội tụ ở động vật và các nhà khoa học phát hiện ra điều này cũng xảy ra với virus.
Rất khó để biết được mức độ phổ biến của các biến thể mới ở Mỹ vì số lượng mẫu được giải trình tự gene còn hạn chế. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy các biến thể rải rác trên khắp đất nước, nhưng họ không thể biết nơi chúng xuất hiện lần đầu. Cũng khó có thể khẳng định bản thân các biến thể dễ lây lan hơn hay vì một số lý do khác như du lịch vào kỳ nghỉ hoặc các sự kiện thu hút nhiều người tham gia mới là tác nhân chính.
Các nhà khoa học lo ngại đột biến này có thể ảnh hưởng đến khả năng virus xâm nhập vào tế bào người. Tuy nhiên, Jason McLellan, một nhà sinh vật học cấu trúc tại Đại học Texas ở Austin, người không tham gia vào nghiên cứu, cảnh báo rằng cách thức nCoV bám vào tế bào vẫn chưa rõ. "Thật khó để biết những biến đổi mới của virus có thể làm những gì. Chúng cần được theo dõi với dữ liệu thử nghiệm bổ sung", ông McLellan nhận xét.
Biến thể nCoV từ Anh, Nam Phi, Brazil đang gây lo ngại toàn cầu vì khả năng lây nhiễm cao hơn 56-70% so với chủng virus gốc, trong đó, biến thể từ Nam Phi có chứa đột biến kháng vaccine. Nhiều quốc gia đang chạy đua tăng cường các biện pháp mạnh mẽ nhằm ngăn chặn sự lây lan của các biến thể trên.
Mai Dung (Theo New York Times)