“Mỹ rất quan ngại về các hành xử gây nguy hiểm trên biển và chúng tôi phản đối bất kỳ hành động hăm dọa nào của tàu. Các bên liên quan cần phải kiềm chế”, ông Russel, phụ trách các vấn đề đề Đông Á và Thái Bình Dương, nói với một nhóm phóng viên tại Hà Nội.
Chuyến công cán của ông Russel có lịch trình từ trước, trùng vào thời điểm căng thẳng Biển Đông lên cao sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan vào định vị trên thềm lục địa và cho tàu Trung Quốc đâm các tàu của Việt Nam.
Ông Russel nhấn mạnh việc các bên cần sử dụng những kênh ngoại giao và chính trị để xử lý tranh chấp. Mỹ và cộng đồng quốc tế kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và tuân theo luật pháp quốc tế. Nền kinh tế toàn cầu và nền kinh tế khu vực rất quan trọng và rất mong manh, không thể chấp nhận khả năng có một cuộc khủng hoảng leo thang thành xung đột.
Trả lời câu hỏi Mỹ có ủng hộ Việt Nam trong trường hợp nếu xảy ra xung đột hay không, ông nói: "Nếu các kênh ngoại giao không mang lại kết quả, các nước có tranh chấp nên sử dụng quyền của mình tại các cơ chế luật pháp quốc tế".
Cũng theo nhà ngoại giao Mỹ, ngày nay, mỗi nước đều có quyền biện hộ về vị trí và yêu sách chủ quyền lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, quan điểm của Mỹ là việc đó cần phải thực hiện bằng ngoại giao và phương tiện để đạt được yêu sách cần tuân theo luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước về Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS).
Khi các phóng viên Việt Nam nói rằng, vị trí giàn khoan mà Trung Quốc mới đây hạ đặt là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong khi Mỹ vẫn nói đó là vùng có tranh chấp, như vậy có phải Trung Quốc đã thành công trong việc khiến quốc tế hiểu lầm vùng không có tranh chấp thành là vùng có tranh chấp không, ông Russel nhấn mạnh rằng Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp ở Biển Đông.
Về thái độ của Mỹ trong tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines đối với bãi cạn Scaborough, ông Russel nhắc lại quan điểm ủng hộ tầm quan trọng của tự do hàng hải và thương mại không bị cản trở, nhưng không đứng về bên nào trong tranh chấp.
"Chúng tôi bày tỏ lập trường về sự cam kết thiêng liêng dành cho Philippines như một đồng minh hiệp ước. Nhưng chúng tôi không bày tỏ lập trường để ủng hộ các tranh chấp của Philippines. Đó là sự khác biệt quan trọng mà tôi muốn nõi rõ".
Thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ
Trước đó, ông Russel nói rằng, tăng cường quan hệ đối tác Việt - Mỹ là một phần quan trọng trong sự can dự rộng hơn của Mỹ ở khu vực châu Á. Từ khi Việt Nam và Mỹ tuyên bố quan hệ đối tác toàn diện năm ngoái, đã có những tiến bộ đáng kể trong quan hệ hai nước.
Sự có mặt của ông Russel tại Hà Nội lần này là nhằm thúc đẩy quan hệ song phương và tăng cường đối thoại cùng các cơ chế hợp tác. Gặp gỡ với các quan chức Việt Nam, ông Russel bày tỏ tin tưởng rằng chuyến thăm Đông Bắc Á và Đông Nam Á mới đây của Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng tái khẳng định chiến lược của Washington về khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng.
Mỹ dành quan tâm lớn đến khu vực châu Á – Thái Bình Dương vì khu vực này có liên kết trực tiếp đến an ninh và lợi ích lâu dài của Mỹ. Do đó, Washington muốn xây dựng quan hệ song phương gần gũi hơn với các nước thuộc khu vực này. Châu Á – Thái Bình Dương cũng là nơi Mỹ tham gia các thể chế quan trọng như ASEAN, Cấp cao Đông Á (EAS) và APEC.
Trong ngày hôm qua và hôm nay, ông Russel đã gặp gỡ Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, đồng chủ trì Đối thoại Việt-Mỹ về vùng châu Á- Thái Bình Dương với Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam. Hai bên trao đổi nhiều vấn đề, trong đó có thảo luận về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Việt Anh