"Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland có cuộc trao đổi ngày 15/1. Họ bày tỏ sự lo ngại về tình trạng bắt giam tùy tiện và động cơ chính trị trong việc kết án công dân Canada", AP dẫn lời phó phát ngôn viên Bộ ngoại giao Mỹ Robert Palladino hôm qua cho biết.
Palladino nói thêm rằng hai Ngoại trưởng còn đề cập tới trường hợp của Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính tập đoàn Huawei bị bắt tại Canada theo yêu cầu của Mỹ với cáo buộc lừa dối ngân hàng, vi phạm lệnh trừng phạt Iran. "Họ khẳng định tiếp tục theo sát quá trình tiến hành thủ tục pháp lý công bằng, không thiên vị và minh bạch của Canada", Palladino cho hay.
Động thái của Washington được đưa ra sau khi Trung Quốc hôm 14/1 kết án tử hình công dân Canada Robert Schellenberg vì tội buôn bán ma túy. Bà Freeland và Thủ tướng Justin Trudeau đang thảo luận với các lãnh đạo thế giới về trường hợp của Schellenberg, cũng như việc Trung Quốc bắt hai công dân Canada Michael Kovrig và Michael Spavor sau vụ bắt bà Mạnh.
"Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng, chính phủ đang tăng cường tiếp xúc với các đồng minh để giải thích rằng những vụ giam công dân Canada tùy tiện không chỉ liên quan tới Canada, mà còn đại diện cho cách hành xử đe dọa mọi quốc gia", Ngoại trưởng Freeland phát biểu. Bà khẳng định sẽ đưa trường hợp của Kovrig và Spavor lên làm ưu tiên thảo luận khi tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, tuần tới.
Trước đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố Bắc Kinh "không lo lắng" về việc đối mặt với sự phản đối khi quyết định tử hình Schellenberg. "Số đồng minh đứng về phía Canada trong trường hợp này đếm trên đầu ngón tay. Đối với các tội danh nghiêm trọng gây tổn hại lớn đến xã hội như buôn ma túy, tôi tin rằng cộng đồng quốc tế đồng ý xử phạt nghiêm khắc tội phạm đó", bà Hoa phát biểu. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Freeland sau đó nhấn mạnh 28 quốc gia EU đã thể hiện sự ủng hộ Canada.