"Đó là điều thật lố bịch, nhưng nó cũng giúp bạn cảm nhận được về nền móng khủng bố của chế độ Iran và chính quyền này cần phải thay đổi hành vi của mình", Robert Wood, đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc về giải trừ quân bị, trả lời phóng viên ở Geneva, Thụy Sỹ hôm 21/1.
Tuyên bố được Wood đưa ra sau khi Ahmad Hamzeh, nghị sĩ đại diện cho tỉnh Kerman, quê hương của tướng Qassem Soleimani, đề xuất mức thưởng 3 triệu USD cho bất cứ ai ám sát được Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trump là người đã ra lệnh không kích hạ sát tướng Soleimani hôm 3/1 gần sân bay Baghdad, Iraq, khiến căng thẳng ở khu vực leo thang.
Hamzeh cho rằng việc treo thưởng để lấy mạng Trump là một trong những lựa chọn của Iran sau khi Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) khiến nước này không thể sản xuất vũ khí hạt nhân.
"Nếu bây giờ chúng ta có vũ khí hạt nhân, chúng ta sẽ được bảo vệ khỏi các mối đe dọa... Chúng ta nên đưa việc sản xuất tên lửa tầm xa có khả năng mang đầu đạn vào chương trình nghị sự. Đây là quyền của chúng ta", Hamzeh phát biểu tại quốc hội Iran, theo hãng thông tấn ISNA.
JCPOA được Iran ký với 6 cường quốc gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc vào năm 2015 sau 15 năm đàm phán ngoại giao. Theo thỏa thuận, Iran sẽ hạn chế các hoạt động hạt nhân để đổi lấy việc giảm bớt lệnh trừng phạt quốc tế.
Trump năm 2018 tuyên bố rút khỏi thỏa thuận vì "không hiệu quả", đồng thời thực hiện chiến dịch gây áp lực tối đa với Iran bằng cách áp đặt nhiều lệnh trừng phạt với nước này, bất chấp sự phản đối của các nước còn lại trong thỏa thuận. Kể từ khi Mỹ rút khỏi JCPOA năm 2018, Iran liên tục phá vỡ cam kết trong thỏa thuận để đáp trả.
Hồi tuần trước, ba nước châu Âu kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp của JCPOA, chính thức cáo buộc Iran vi phạm thỏa thuận, bước đi đầu tiên trong việc áp các lệnh trừng phạt Liên Hợp Quốc và cô lập Iran. Để đáp trả, Iran đe dọa sẽ rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân (NPT) nếu châu Âu quyết tâm áp các lệnh trừng phạt với nước này.
NPT được 187 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia, có hiệu lực từ năm 1970. Theo điều khoản hiệp ước, 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có quyền sở hữu vũ khí hạt nhân, những nước còn lại chỉ được sử dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình và không phát triển vũ khí.
Đại sứ Wood cho rằng lời đe dọa rút khỏi NPT của Iran sẽ gửi đi một thông điệp "rất tiêu cực".
Quốc Hưng (Theo Hill)