Phát ngôn viên Nhà Trắng John Kirby hôm 9/6 dẫn thông tin mới được giải mật cho thấy các máy bay không người lái (UAV) này được chế tạo ở Iran, vận chuyển qua biển Caspi và sau đó được lực lượng Nga sử dụng để tấn công Ukraine.
"Những tuần gần đây, Nga sử dụng UAV Iran để tấn công Kiev. Quan hệ đối tác quân sự Nga - Iran dường như ngày càng sâu sắc", ông Kirby nói. "Chúng tôi cũng lo ngại Moskva đang hợp tác với Tehran để sản xuất UAV Iran ngay tại Nga".
Theo ông Kirby, Mỹ có thông tin Nga đang nhận vật liệu cần thiết từ Iran để xây dựng nhà máy sản xuất UAV có thể hoạt động vào đầu năm tới.
"Chúng tôi sẽ công bố ảnh vệ tinh vị trí dự kiến của nhà máy sản xuất UAV này tại Đặc khu kinh tế Alabuga, Nga", ông nói.
Nga từ tháng 10/2022 tăng cường dùng UAV Geran-2 tập kích Ukraine. Geran-2 được đánh giá có kích thước và hình dáng giống mẫu Shahed-136 của Iran, khiến phương Tây nhiều lần cáo buộc Moskva sử dụng UAV tự sát của Tehran trên chiến trường Ukraine.
Tuy nhiên, Iran khẳng định chỉ cung cấp UAV cho Nga trước khi chiến sự nổ ra. Nga cũng tuyên bố chỉ sử dụng UAV nội địa tập kích Ukraine. Mỹ đã trừng phạt các giám đốc điều hành một nhà máy sản xuất quốc phòng Iran vì cáo buộc cung cấp UAV cho Nga.
Một quan chức Nhà Trắng cho biết Iran đã chuyển hàng trăm UAV cho Nga kể từ tháng 8 năm ngoái, trong khi tìm mua nhiều thiết bị quân sự trị giá hàng tỷ USD từ Moskva, trong đó có trực thăng và radar.
"Nga đã và đang cung cấp cho Iran hợp tác quốc phòng chưa từng có, bao gồm cả tên lửa, thiết bị điện tử và phòng không", người phát ngôn Nhà Trắng nói. "Đây là quan hệ đối tác quốc phòng toàn diện ảnh hưởng tiêu cực tới Ukraine, các nước láng giềng của Iran và cộng đồng quốc tế. Chúng tôi tiếp tục sử dụng tất cả công cụ có sẵn để ngăn chặn hoạt động này và sẵn sàng làm nhiều hơn nữa".
Theo Kirby, việc chuyển giao UAV cấu thành hành vi vi phạm quy tắc của Liên Hợp Quốc và Mỹ sẽ tìm cách buộc hai quốc gia phải chịu trách nhiệm.
Anh, Pháp, Đức, Mỹ và Ukraine cho rằng việc Iran cung cấp UAV cho Nga vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc năm 2015 về tôn trọng thỏa thuận hạt nhân Iran. Theo nghị quyết, lệnh cấm vận vũ khí thông thường đối với Iran được áp dụng cho đến tháng 10/2020.
Ukraine và các cường quốc phương Tây lập luận hiệu lực của nghị quyết trong cấm vận tên lửa và công nghệ liên quan của Iran sẽ kéo dài đến tháng 10/2023 và có thể bao gồm việc xuất khẩu, mua hệ thống quân sự tiên tiến như UAV.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục áp đặt biện pháp trừng phạt các bên liên quan việc chuyển thiết bị quân sự của Iran sang Nga để sử dụng ở Ukraine", Kirby nói, thêm rằng Mỹ đã khuyến nghị doanh nghiệp và các chính phủ khác hiểu rõ hơn về "những rủi ro từ chương trình UAV của Iran và hành vi bất hợp pháp mà Iran sử dụng để mua các linh kiện UAV".
Phái bộ Iran và Nga tại Liên Hợp Quốc chưa phản hồi về cáo buộc của Mỹ.
Nga và Iran bắt đầu hợp tác quân sự từ năm 2001, song dừng lại vào tháng 3/2016 sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết cấm xuất khẩu vũ khí thông thường và công nghệ liên quan đến hệ thống triển khai vũ khí hạt nhân đến Iran, cũng như cấm quốc gia Trung Đông xuất khẩu vũ khí.
Hội đồng Bảo an tháng 8/2020 bác đề xuất gia hạn lệnh cấm bán vũ khí cho Iran do Mỹ đưa ra. Sau khi lệnh cấm hết hiệu lực, Nga cung cấp cho Iran nhiều loại vũ khí hiện đại. Iran ngày 10/3 thông báo nước này đã hoàn tất thỏa thuận mua tiêm kích Su-35S của Nga.
Huyền Lê (Theo Reuters)