"Chúng tôi có thông tin cho thấy lực lượng Nga đang ngày càng bực bội vì không thể tiến thêm trong 24 giờ qua, đặc biệt là ở các vùng phía bắc Ukraine", một quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ giấu tên cho biết hôm 26/2.
Theo thông tin từ Lầu Năm Góc, ít nhất 50% lực lượng Nga triển khai cho cuộc tấn công đã tiến vào Ukraine. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc tin rằng chiến dịch tấn công của Nga, với hơn 150.000 quân cùng nhiều vũ khí hạng nặng, đã không tiến triển nhanh như mong đợi. Nga dường như vẫn chưa kiểm soát được thành phố lớn nào của Ukraine, cũng như chưa chiếm ưu thế trên bầu trời.
"Các hệ thống phòng không của Ukraine, trong đó có cả chiến đấu cơ, vẫn có thể tham chiến và ngăn cản máy bay Nga tự do hoạt động", quan chức Mỹ nói, thêm rằng phần lớn binh sĩ Nga vẫn ở khu vực ngoại ô cách thủ đô Kiev khoảng 30 km, nhưng tình hình chiến trường có thể thay đổi nhanh chóng.
Quan chức Mỹ nhận định các đồng minh phương Tây vẫn có thể cung cấp vũ khí và nguồn hỗ trợ khác để giúp Ukraine tăng cường khả năng phòng thủ. "Dựa trên những gì chúng tôi quan sát được, sức kháng cự của Ukraine lớn hơn những gì Nga dự tính", quan chức này nhấn mạnh.
Quân đội Ukraine hôm 26/2 cũng cho biết đã ngăn chặn được cuộc tấn công vào thủ đô, nhưng đang chiến đấu với "các nhóm phá hoại" đã xâm nhập vào thành phố. Giới chức Ukraine cho biết 198 dân thường, trong đó có ba trẻ em, đã thiệt mạng kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự vào nước này.
Nga chưa bình luận về phát ngôn của quan chức Mỹ. Bộ Quốc phòng Nga hôm 26/2 cho biết quân đội nước này đã được lệnh mở rộng cuộc tấn công từ mọi hướng sau khi Ukraine từ chối đàm phán tại Belarus, đồng minh thân cận của Nga.
"Hôm nay, tất cả các đơn vị đã được lệnh triển khai mũi tiến công từ mọi hướng để phù hợp với kế hoạch của chiến dịch", người phát ngôn quân đội Nga Igor Konashenkov tuyên bố.
Sau khi Nga tấn công Ukraine, Mỹ cùng đồng minh đã áp loạt lệnh trừng phạt lên Moskva cũng như Tổng thống Putin. Các nước phương Tây hôm 26/2 nhất trí loại một số ngân hàng Nga khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT).
Loại các ngân hàng Nga khỏi SWIFT được coi là lựa chọn trừng phạt rất mạnh, khiến các tổ chức này về cơ bản không thể tiếp cận với hệ thống tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, biện pháp này có thể dẫn đến hệ quả tốn kém cho các quốc gia khác, nhất là những nước chịu phụ thuộc vào Nga về năng lượng hay lương thực.
Ngọc Ánh (Theo AFP)