"Chính phủ Mỹ duy trì thông điệp xuyên suốt rằng tách rời kinh tế với Trung Quốc không phải là mục tiêu và cũng không đủ khả thi để được xem như một mục tiêu", Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai, quan chức cấp cao nhất của Nhà Trắng về các vấn đề ngoại thương, nói trong họp báo trực tuyến ngày 25/4.
Bà nhận định Mỹ và Trung Quốc có mối quan hệ biến động phức tạp, đặc biệt xoay quanh câu chuyện luật chơi bình đẳng trên thương trường hay đảm bảo cơ hội công bằng cho doanh nghiệp hai nước.
Tuy nhiên, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn "cần làm điều đúng đắn" trong quan hệ song phương, giải đáp những lo ngại của đối phương, đảm bảo lợi ích cho người lao động cùng doanh nghiệp mỗi nước và tác động tích cực đến kinh tế toàn cầu.
"Quan hệ thương mại Mỹ - Trung là một trong những yếu tố có khả năng tác động lớn nhất lên nền kinh tế thế giới. Hai nước cần nhận thức chân thành và rõ ràng những thách thức trong mối quan hệ", bà bình luận.
Cũng trong cuộc họp báo trực tuyến, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai khẳng định sáng kiến Khung Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) do Mỹ khởi động vào năm 2022 không có rủi ro gây nên bất đồng và đối đầu thương mại trong khu vực, dù hiện nay Trung Quốc chưa được mời vào danh sách các nước đối thoại IPEF.
Ý tưởng "tách rời kinh tế" khỏi Trung Quốc được Mỹ nêu ra dưới thời tổng thống Donald Trump, khi căng thẳng trong quan hệ song phương leo thang thành cạnh tranh chiến lược cường quốc, với nhiều bất đồng trên hàng loạt phương diện từ kinh tế, thương mại, địa chính trị đến công nghệ cao, an ninh y tế, tự do hàng hải trên các vùng biển khu vực.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn duy trì nhiều biện pháp thuế quan với hàng hóa Trung Quốc được áp dụng trong "chiến tranh thương mại" do ông Trump khởi xướng. Giới phân tích cho rằng quan hệ kinh tế giữa hai cường quốc đang có xu hướng "phân tách", cắt đứt những ràng buộc và liên hệ tương hỗ để cùng phát triển bấy lâu.
Hạ viện Mỹ đầu năm nay thành lập ủy ban đặc biệt về cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung và tiếp tục đề cập đến tầm quan trọng của đa dạng hóa đối tác kinh tế để giảm ràng buộc với Trung Quốc. Mỹ năm 2022 cũng thông qua Đạo luật CHIPS và Khoa học, được giới quan sát đánh giá sẽ giảm vị thế của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng vi xử lý và thiết bị bán dẫn toàn cầu.
Thanh Danh