Washington và các đồng minh từng tuyên bố chiến dịch gây áp lực quốc tế lên Moskva đã thành công bước đầu khi làm gián đoạn chuỗi cung ứng quân sự và đẩy nền kinh tế Nga vào tình trạng suy thoái mạnh.
Tuy nhiên, những "lỗ hổng trừng phạt", thuật ngữ chỉ việc thực thi các biện pháp kiểm soát bị lơ là khiến dòng chảy thương mại và tài chính với Nga vẫn lưu thông, đang cản trở chiến dịch gây sức ép của Mỹ và đồng minh, giúp nền kinh tế Nga không sụp đổ, qua đó kéo dài thêm xung đột ở Ukraine, theo các quan chức cấp cao phương Tây.
"Chúng tôi muốn xóa bỏ những hành vi lách lệnh trừng phạt trên toàn châu Âu và sau đó là đến các nước thứ ba", Mairead McGuinness, ủy viên dịch vụ tài chính từ văn phòng giám sát chính sách trừng phạt thuộc Ủy ban châu Âu (EC), cho hay. "Chúng ta càng chậm lấp lỗ hổng thì càng khó nhìn thấy kết quả cuối cùng".
Văn phòng của McGuinness đang sàng lọc dữ liệu hải quan châu Âu để truy tìm các hành vi lách lệnh trừng phạt, bà nói thêm.
Để thắt chặt hàng rào tài chính và thương mại do phương Tây thiết lập trong các lệnh trừng phạt, Mỹ đang cử nhiều quan chức cấp cao tới hàng loạt quốc gia. Nhiệm vụ của họ là chia sẻ thông tin tình báo về các mạng lưới trốn tránh lệnh trừng phạt, cảnh báo các bên vi phạm, đồng thời thu thập thông tin về những cá nhân, tổ chức bị nghi vẫn tiếp tục giao thương với Nga, theo một số quan chức cấp cao Mỹ giấu tên.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã nhấn mạnh vấn đề trên tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia, gần đây. Hồi đầu tháng, Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo đã lên đường đến Brussels, London và Paris. Trong khi đó, Elizabeth Rosenberg, trợ lý Bộ trưởng Tài chính, gần đây cũng tới Nhật thực hiện nhiệm vụ tương tự.
"Có nhiều báo cáo công khai rằng một số hoạt động rửa tiền liên quan tới Nga đang diễn ra trong thế giới Arab", Rosenberg cuối tháng trước phát biểu tại một hội nghị của Liên minh các Ngân hàng Arab, sử dụng ngôn ngữ quyết liệt bất thường mà theo giới chức Mỹ là nhằm gửi thông điệp cảnh báo. "Chúng ta đều sẽ hưởng lợi nếu ngăn chặn, điều tra và loại bỏ những hành vi đó", bà nhấn mạnh.
EU đang tiếp tục mở rộng các mặt hàng cấm xuất khẩu sang Nga, nhưng các quan chức phương Tây lo ngại một số ngân hàng ở Áo, Cộng hòa Czech và Thụy Sĩ đang xem nhẹ việc thực thi lệnh trừng phạt với Moskva.
Trong khi hầu hết các bên vẫn tránh những giao dịch với Nga có khả năng vi phạm lệnh trừng phạt, một số công ty phương Tây lại coi đây là cơ hội làm ăn, George Voloshin, nhà điều tra trừng phạt Nga tại Hiệp hội các Chuyên gia Chống rửa tiền, cho biết.
Giới chức tài chính Thụy Sĩ hồi tháng 4 cho biết nước này đóng băng khoảng 8 tỷ USD tài sản của Nga, nhưng đến tháng 5, họ đã giải phóng khoảng ba tỷ USD trong số đó. Các nhà phân tích trong ngành ước tính tổng tài sản của các tài phiệt Nga gửi ở Thụy Sĩ cao hơn thế rất nhiều.
Dù vậy, Antje Baertschi, phát ngôn viên Ban Thư ký Nhà nước về các Vấn đề Kinh tế của Thụy Sĩ, cho hay lượng tài sản Nga bị chính phủ nước này đóng băng là "cao theo tiêu chuẩn quốc tế cũng như so với các cơ chế trừng phạt khác".
"Chúng tôi chưa nhận được bất kỳ lời chỉ trích nào về việc thực thi lệnh trừng phạt với Nga", bà nói.
Ngân hàng Quốc tế Raiffeisen (RBI), Áo, hồi tháng ba cho biết sẽ xem xét lại quan hệ hợp tác với Nga, trong đó có phương án rút khỏi nước này. Nhưng trong báo cáo quý III, ngân hàng vẫn thông báo đang đánh giá các lựa chọn chiến lược ở Nga. Trong khi đó, hầu hết các ngân hàng phương Tây đều đã lập tức hạn chế giao dịch tài chính với Moskva sau khi xung đột nổ ra ở Ukraine hồi cuối tháng hai.
"RBI chắc chắn vẫn tuân thủ tất cả các biện pháp trừng phạt hiện hành", Ingrid Ditz, phát ngôn viên ngân hàng, nói, thêm rằng họ đã giảm 25% khoản cho vay bằng đồng rouble đối với khách hàng ở Nga kể từ đầu năm và hạn chế các khoản vay mới.
Ngoài các công ty, ngân hàng ở châu Âu, một loạt "lỗ hổng trừng phạt" khác cũng xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới, giúp kinh tế Nga vẫn chống đỡ được sức ép từ phương Tây.
Dữ liệu thương mại trong quý hai năm nay cho thấy xuất khẩu sang Nga từ nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đã giảm hơn 50% sau các lệnh trừng phạt được phương Tây áp đặt từ cuối tháng hai. Tuy nhiên, xuất khẩu từ Hàn Quốc và Nhật Bản, các đồng minh thân cận của Mỹ, sang Nga đã phục hồi gần 1/3 so với thời điểm trước khi Moskva bị áp lệnh trừng phạt, theo phân tích dữ liệu thương mại từ Wall Street Journal.
Xuất khẩu từ Trung Quốc sang Nga hiện tại thậm chí còn lớn hơn thời điểm các lệnh trừng phạt mới được áp đặt. Các quan chức Mỹ lo ngại Trung Quốc sẽ là nguồn cung cấp tài chính và hàng hóa quan trọng cho nền kinh tế Nga để họ có thể tiếp tục chiến dịch quân sự ở Ukraine. Bắc Kinh trong khi đó tuyên bố sẽ không tuân thủ những lệnh trừng phạt của phương Tây mà họ cho là bất hợp pháp.
"Mối quan hệ Nga - Trung vững như bàn thạch", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói trong cuộc họp báo thường kỳ hồi đầu tháng.
Xuất khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO, sang Nga vào cuối quý II đã tăng khoảng 25% so với trước khi các lệnh trừng phạt của phương Tây được ban hành. Dữ liệu gần đây cho thấy hàng hóa từ Thổ Nhĩ Kỳ xuất sang Nga đang tiếp tục tăng.
Dù vậy, Bộ trưởng Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ Nureddin Nebati vẫn cho rằng nước này không làm suy yếu chiến dịch gây áp lực lên Nga của phương Tây. "Chúng tôi đang tiếp tục duy trì thương mại với Nga trong các lĩnh vực không bị áp dụng biện pháp trừng phạt", ông nói.
Ankara cho biết họ đã dừng các kế hoạch kết nối ngành tài chính của Thổ Nhĩ Kỳ với hệ thống thanh toán Nga, điều sẽ mang đến cho Mosvka một đầu mối liên kết quan trọng với hệ thống tài chính toàn cầu. Hầu hết hệ thống ngân hàng Nga đến nay đều bị trừng phạt.
"Đây là một nỗ lực toàn cầu", Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Brian Nelson nói trong một cuộc phỏng vấn, đề cập đến chiến dịch tăng sức ép trừng phạt với Nga. "Điều này có nghĩa chúng tôi sẽ nhắm tới các hành vi né trừng phạt, tập trung vào những nỗ lực gây tác động đến chiến trường và nhắm mục tiêu vào bất kỳ ai vẫn tiếp tục hỗ trợ Nga", ông tuyên bố.
Vũ Hoàng (Theo WSJ)