Các quan chức quốc phòng Mỹ ngày 25/11 cho biết 1/3 trong số khoảng 350 khẩu lựu pháo mà phương Tây viện trợ cho Ukraine không thể khai hỏa, do nòng bị hư hại sau nhiều tháng sử dụng quá mức, hoặc pháo bị phá hủy trong giao tranh.
Quân đội Ukraine đã phải rút hàng chục khẩu pháo phương Tây khỏi tiền tuyến để sửa chữa, nhưng họ không có khả năng thay thế những nòng pháo dài tới 6 m và nặng hàng trăm kg. Điều này buộc Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ phải thành lập một cơ sở chuyên sửa chữa pháo tại Ba Lan để khôi phục hỏa lực cho Ukraine.
Các loại pháo phương Tây viện trợ được cho là giúp sức cho binh sĩ Ukraine khi họ bắt đầu cạn đạn cho pháo từ thời Liên Xô. Giữ cho những khẩu pháo này tiếp tục hoạt động trở nên không kém phần quan trọng như cung cấp đủ đạn cho chúng.
Nỗ lực sửa chữa pháo phương Tây viện trợ cho Ukraine tại Ba Lan bắt đầu từ vài tháng trước. Tình trạng vũ khí của Ukraine là một trong các vấn đề được nhiều quan chức quốc phòng Mỹ quan tâm chặt chẽ, theo trung tá Daniel Day, phát ngôn viên Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ.
Lầu Năm Góc đã chuyển 142 lựu pháo M777 155 mm tới Ukraine, đủ để trang bị cho 8 tiểu đoàn. Quân đội Ukraine sử dụng loại pháo này để tập kích lực lượng Nga, tấn công sở chỉ huy đối phương và rải mìn chống tăng bằng đạn chuyên dụng.
Ngoài đạn pháo 155 mm của Mỹ, Ukraine cũng nhận đạn pháo cùng cỡ từ các quốc gia khác dùng vũ khí cùng chuẩn NATO. Tuy nhiên, các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết một số loại đạn và liều phóng chưa được thử nghiệm trên các mẫu lựu pháo nhất định. Các binh sĩ Ukraine phát hiện rằng một số loại đạn và liều phóng làm hao mòn nòng pháo nhanh hơn.
Khi các khẩu pháo bị hư hỏng được chuyển đến Ba Lan, những đội bảo trì có thể thay nòng cho chúng và sửa chữa các bộ phận khác. Các quan chức Ukraine cho biết họ muốn đưa các điểm bảo trì đến gần tiền tuyến hơn để pháo có thể sớm quay lại chiến đấu, theo một số quan chức Mỹ.
Pháo binh Ukraine thường khai hỏa ở khoảng cách rất xa để tránh bị Nga phản pháo, buộc họ phải sử dụng liều phóng mạnh hơn để đẩy đầu đạn bay xa hơn. Điều này khiến nhiệt lượng sinh ra trong quá trình khai hỏa cao hơn, làm nòng pháo bị tổn hại nhanh hơn.
Một trong các vấn đề có thể bắt nguồn từ thiết kế của lựu pháo M777, với các bộ phận chủ yếu làm từ hợp kim titan với trọng lượng nhẹ hơn thép. Thiết kế này giúp binh sĩ vận hành vận chuyển pháo M777 dễ dàng bằng đường không và lắp ráp chúng nhanh hơn.
Thiết kế đó thể hiện rõ rệt ưu thế cho quân đội Mỹ khi sử dụng trên chiến trường Afghanistan và Iraq vào những năm 2000. Trong các cuộc xung đột này, lựu pháo M777 chỉ khai hỏa lượng nhỏ đạn để hỗ trợ bộ binh.
Tuy nhiên, pháo M777 làm bằng hợp kim titan không đảm bảo độ bền khi khai hỏa với tần suất lớn. Lực lượng Ukraine bắn 2.000-4.000 quả đạn pháo mỗi ngày, khiến pháo M777 thường xuyên gặp tình trạng đạn không bay đủ xa hoặc thiếu chính xác.
Khi một khẩu pháo bị hỏng, số pháo còn lại trong đơn vị sẽ phải khai hỏa nhiều để bù đắp tần suất hỏa lực, khiến chúng càng hao mòn nhanh hơn, làm phức tạp hơn nỗ lực bảo dưỡng, sửa chữa của Mỹ tại Ba Lan.
"Chúng tôi đang nỗ lực để đồng minh và đối tác có các gói bảo trì phù hợp nhằm đảm bảo khả năng hoạt động của những khí tài mà chúng tôi cung cấp cho Ukraine", trung tá Daniel Day nói.
Nguyễn Tiến (Theo RIA Novosti)