Người gửi: Chu Tuan Viet
Gửi tới: Ban Thế giới
Tiêu đề: Cuộc chiến phi nghĩa của Mỹ ở Iraq
Tôi cảm thấy rất thú vị khi đọc bài của bạn Khai Tâm. Bạn đã cho tôi thêm một góc nhìn mới về cuộc chiến vừa qua của Mỹ, hay đúng hơn là của ông Bush và các chiến hữu thân cận của ông trong chính giới và doanh nghiệp Mỹ.
Trước tiên tôi xin được bày tỏ sự đồng ý với quan điểm của bạn cho rằng nhiệm vụ của mỗi nhà lãnh đạo là phải làm cho đất nước trở nên hùng cường và bảo vệ được các lợi ích quốc gia. Quả thực, ông Saddam đã không hoàn thành được trọng trách này. Việc gây chiến với Iran, tấn công Kuwait, trục xuất các thanh sát viên vũ khí của Liên Hợp Quốc, và nhất là từ chối lời đề nghị tới thăm Iraq của Giáo Hoàng đã khiến cho Iraq bị cô lập không chỉ trên bình diện quốc tế mà cả trong thế giới Ảrập. Từ một nước có nền kinh tế vào loại mạnh nhất vùng Vịnh với trữ lượng dầu mỏ lớn thứ hai thế giới và một ngành công nghiệp dầu mỏ tiên tiến, Iraq trở thành một nước mà tại đó xăng chạy xe không đủ, thuốc men thiếu thốn, nợ nước ngoài lên tới hơn một trăm tỷ USD.
Song phải chăng ông Saddam là một nhà lãnh đạo thiển cận đến mức liên tục mắc phải những sai lầm chết người như vậy một cách hoàn toàn chủ quan? Xin các bạn hãy để ý rằng trong hai cuộc chiến tranh của Iraq với các nước láng giềng mà tôi vừa nêu lên ở trên, Iraq đều đã nhận được sự ủng hộ của Mỹ, một cách công khai trong cuộc chiến tranh 8 năm với Iran (1980-1988), khi đó đang là nước có quan hệ tốt với Liên Xô (cũ) và một cách bí mật trong cuộc chiến với Kuwait. Chắc chắn chính quyền Iraq đã không dại gì trục xuất các thanh sát viên của Liên Hợp Quốc nếu như họ làm đúng nhiệm vụ, tức là tập trung điều tra về sự tồn tại của vũ khí hủy diệt ở Iraq mà một phần không nhỏ lại được nước này mua từ Mỹ, thay vì sục vào các vị trí đặc biệt nhạy cảm đối với an ninh và thể diện quốc gia như dinh Tổng thống. Chúng ta hãy gác lại việc Iraq có lý do chính đáng hay không khi tiến hành chiến tranh, mà hãy thấy rằng chính Mỹ đã nhúng tay thao túng công việc nội bộ của Iraq để phục vụ lợi ích của mình.
Nhưng liệu ông Bush đã hành động vì lợi ích của người dân Mỹ hay ông ta chỉ gây chiến để trả ơn cho các ông chủ dầu mỏ, các tập đoàn sản xuất vũ khí của Mỹ vốn chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong dân chúng Mỹ, những người đã giúp ông ta thắng trong cuộc bầu cử đầy tai tiếng. Liệu người dân Mỹ hay các ông chủ được lợi với chính sách giảm thuế thu nhập của ông Bush mà đi kèm theo nó là việc giảm chi tiêu cho các dịch vụ công. Và nếu ông ta không làm như vậy thì điều gì sẽ xảy đến với ông ta, trong tương lai xa là cuộc bầu cử năm sau và trong tương lai gần, một Kennedy khác chăng?
Tôi không hiểu bạn Khai Tâm căn cứ vào đâu khi nói “Thử hỏi Hussein là ai mà dám một mình chống lại Mỹ, chống lại Mỹ có nghĩa là chống lại cả thế giới vì Mỹ có bao nhiêu là đồng minh”. Lẽ nào với tư cách nhà lãnh đạo quốc gia, ông Hussein lại không thể chiến đấu chống lại sức ép của ông Bush. Và Mỹ lấy tư cách gì để đại diện cả thế giới khi mà nước này đánh chiếm Iraq mà không có bất kỳ một sự cho phép nào của Liên Hợp Quốc và Hội đồng Bảo an. Hỗ trợ Mỹ chỉ là một nhúm nhỏ đồng minh trong khi đại đa số các nước, kể cả các nước lớn như Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc đều lên tiếng phản đối. Tấn công Iraq là Mỹ đã chà đạp lên tất cả các nguyên tắc của luật pháp quốc tế vốn là cơ sở cho các mối quan hệ quốc tế.
Tôi càng ngạc nhiên hơn khi bạn cho rằng cuộc chiến này của ông Bush là cần thiết để đem lại cho nhân dân Iraq hạnh phúc và dân chủ. Chẳng nhẽ hạnh phúc là khi người thân bị bom đạn giết chết, nhà cửa tài sản bị phá hủy, mối đe dọa từ bom đạn có chứa uranium nghèo của lính Mỹ sẽ kéo dài hàng thế hệ? Và dân chủ ở đâu khi chính quyền Iraq lâm thời hiện nay là những kẻ lưu vong hàng chục năm nay được Mỹ dựng lên làm bù nhìn với công việc hiện tại là tập trung vào khai thác dầu cho Mỹ; khi mà lính Mỹ có thể xông vào nhà bất cứ lúc nào để bắt bớ, lùng sục. Người có quyền lực nhất tại Iraq hiện nay là một người Mỹ với chức danh Governor - toàn quyền, hay thái thú. Tôi không đồng ý với bạn. Xin bạn nhớ cho rằng “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.