Tổng thống Mỹ Barrack Obama vừa ký lệnh cắt giảm chi tiêu công trị giá 85 tỷ USD, mở đầu cho làn sóng thắt lưng buộc bụng kéo dài cả thập kỷ. Ảnh hưởng của việc này sẽ trở nên rõ ràng trong vài tuần tới khi các cơ quan thông báo cho các nhà thầu chính phủ và công nhân chịu tác động.
Sau cuộc họp với bốn lãnh đạo tại Hạ viện và Thượng viện, Tổng thống Obama cho biết: "Chúng ta cần hiểu rằng không phải tất cả đều cảm thấy tác động của việc này ngay lập tức. Nhưng sự đau đớn sẽ là rất thật".
Theo lý thuyết, Tổng thống và Quốc hội không được để chuyện này xảy ra và phải có biện pháp thay thế. Tuy nhiên, lãnh đạo hai đảng Dân chủ và Cộng hòa lại không thể thống nhất về phương án thứ ba. Ông Obama kiên quyết kế hoạch mới sẽ phải tăng thuế. Trong khi đó, phe Cộng hòa, dẫn đầu là Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner lại phản đối ý kiến trên.
Sự bất đồng giữa Tổng thống Obama và Hạ viện đã khiến Mỹ phải cắt giảm chi tiêu. Ảnh: UPI |
Vì vậy, trong 9 năm tới, 1.200 tỷ USD chi tiêu ngân sách sẽ bị cắt giảm. Trong đó, 85 tỷ sẽ được giảm ngay trong 7 tháng còn lại của năm tài khóa 2013. Chi tiêu cho các chương trình quốc phòng Mỹ chiếm phần lớn với 13%.
Các nhà kinh tế đều dự đoán việc này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế Mỹ. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ ước tính sẽ có thêm khoảng 750.000 lao động nước này thất nghiệp trong năm nay. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng cho rằng động thái này sẽ khiến tăng trưởng của Mỹ giảm thêm ít nhất 0,5% năm 2013.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư thì lại chẳng mấy quan tâm. Wall Street vẫn khởi sắc khi S&P 500 tăng 0,2%, Dow Jones lên 0,25% và mạnh nhất là Nasdaq với 0,3%. Nhiều người cho rằng sự cắt giảm này là quá nhỏ so với tổng ngân sách liên bang. Vì thế, nó sẽ không có tác động lớn đến nền kinh tế và số liệu thâm hụt. Chứng khoán Mỹ còn được hỗ trợ bởi thông tin doanh số bán nhà mới tháng 1 lên cao nhất kể từ giữa 2008, chi tiêu của người dân tăng mạnh bất chấp thu nhập xuống đáy 20 năm và hoạt động tại các nhà máy mở rộng với tốc độ nhanh nhất 2 năm.
Trong khi đó, tại cường quốc kinh tế số ba thế giới - Nhật Bản, người dân lại đang kỳ vọng thống đốc mới của Ngân hàng trung ương Nhật (BOJ) sẽ giúp nước này hồi sinh. Ngày 28/2, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã đề cử Chủ tịch Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) - Haruhiko Kuroda vào chức vụ này.
Ông Kuroda là người ủng hộ mục tiêu lạm phát 2%, trước cả khi được BOJ thông qua, và các chương trình nới lỏng tiền tệ tích cực. Trong một cuộc phỏng vấn ngày 11/2, ông Kuroda cho biết, BOJ vẫn còn có thể áp dụng nhiều biện pháp nới lỏng và điều chỉnh trong năm nay. Đây là tín hiệu cho thấy nếu được bổ nhiệm, Chủ tịch ADB sẽ theo đuổi các chính sách thúc đẩy mạnh mẽ, hiện thực hóa cam kết chấm dứt hai thập kỷ lạm phát của Thủ tướng Abe.
Thông tin trên đã khiến yen Nhật tiếp tục giảm giá so với USD và Nikkei 225 cũng có chuỗi tăng điểm dài nhất kể từ 2006. Masamichi Adachi, nhà kinh tế cấp cao tại JPMorgan Tokyo cho biết: "Kỳ vọng của thị trường đang rất cao và họ sẽ không thỏa mãn nếu BOJ chỉ mở rộng các chương trình hiện tại. Ban lãnh đạo mới cần chứng tỏ họ thực sự khác biệt so với thế hệ cũ".
Các nhà phân tích tại JPMorgan, Nomura Holdings và Dai-Ichi Life đều cho rằng BOJ sẽ công bố các chính sách nới lỏng tiền tệ tăng cường trong cuộc họp vào tháng 4 tới. Ngoài ra, chương trình mua lại tài sản không giới hạn, dự kiến bắt đầu từ tháng 1/2014, cũng có thể được đẩy sớm lên giữa năm nay.
Các sự kiện kinh tế thế giới nổi bật khác trong tuần: 1. Jack Lew chính thức được bầu làm Bộ trưởng Tài chính Mỹ. 2. Ngân hàng JPMorgan sẽ cắt giảm 19.000 nhân viên để tiết kiệm chi phí 3. Tài chính thế giới lo ngại về tương lai của eurozone trước kết quả bầu cử bế tắc tại Italy. 4. Kinh tế Hy Lạp có thể tăng trưởng trở lại năm 2014. |
Hà Thu (tổng hợp)