Lệnh cấm vận sẽ được đề xuất trong phiên họp khẩn tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc diễn ra ngày 29/8 ở New York theo đề nghị từ Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc, Nikkei đưa tin. Phiên họp diễn ra sau khi Triều Tiên phóng một tên lửa đạn đạo qua lãnh thổ Nhật Bản.
Những nghị quyết trước đó của Hội đồng Bảo an được cho là tác động rất ít đến Bình Nhưỡng. Với một lệnh cấm vận dầu, Triều Tiên sẽ mất đi một nguồn tài nguyên quan trọng. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng sẽ có phản ứng mạnh mẽ để đáp trả, Nga cùng Trung Quốc cũng có thể phản đối một nghị quyết như vậy.
Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ đều muốn tăng trừng phạt Triều Tiên. Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã điện đàm và nhất trí giờ là lúc tăng áp lực, thay vì đối thoại với Triều Tiên.
Bằng vụ phóng tên lửa, Bình Nhưỡng "thể hiện sự coi thường các nước láng giềng", Tổng thống Trump cho biết. "Những hành động đe dọa và gây bất ổn chỉ khiến Triều Tiên thêm cô lập". Ông cảnh báo "mọi lựa chọn đều được tính đến".
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono và người đồng cấp Hàn Quốc Kang Kyung-wha tái khẳng định cần có một nghị quyết Hội đồng Bảo an tăng cường trừng phạt kinh tế với Triều Tiên.
Thủ tướng Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sáng sớm nay điện đàm, nhất trí gây áp lực "cực đại" lên Triều Tiên dể Bình Nhưỡng không còn lựa chọn nào khác ngoài đối thoại.
Triều Tiên sáng sớm qua phóng một tên lửa Hwasong-12 từ gần thủ đô Bình Nhưỡng theo hướng đông, bay qua Nhật Bản rồi rơi xuống bắc Thái Bình Dương. Triều Tiên từng hai lần phóng tên lửa bay qua các đảo chính của Nhật Bản vào năm 1998 và 2009.
Thủ tướng Abe nói vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên là mối đe dọa "nghiêm trọng chưa từng có, gây tổn hại lớn đến an ninh, hòa bình khu vực".
Như Tâm