"Mối lo ngại mà Mỹ chia sẻ cùng các nước là nguy cơ tiềm ẩn của việc Trung Quốc quân sự hóa ở Biển Đông bằng các dự án cải tạo. Điều này không chỉ làm tăng thêm nguy cơ bất ổn mà còn gia tăng căng thẳng trong khu vực", ông Blinken nói trong cuộc họp báo với một số phóng viên tại TP HCM chiều nay.
Ông Blinken khẳng định những việc làm của Bắc Kinh gần đây đang "vi phạm đúng những gì mà họ cam kết với các nước ASEAN trong Tuyên bố DOC. Họ không thực hiện kiềm chế, làm phức tạp tình hình và có nguy cơ làm leo thang tranh chấp". Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) được ký kết giữa Trung Quốc và ASEAN năm 2002. Với các yêu sách ở Biển Đông và Hoa Đông, Trung Quốc vừa qua đã có những hành động đơn phương như hăm dọa, ép buộc các nước cùng có tranh chấp và đôi khi còn dùng vũ lực để cố đạt được những gì mình đòi hỏi hoặc làm thay đổi nguyên trạng.
Tái khẳng định quan điểm của Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp ở Biển Đông, ông Blinken nhấn mạnh Washington có lợi ích lớn trong việc bảo đảm hòa bình và ổn định trong khu vực. Mỹ kêu gọi các bên liên quan kiềm chế và giải quyết khác biệt bằng biện pháp hòa bình và theo cơ chế luật pháp.
"Điều chúng tôi đang làm và sẽ làm là thảo luận chặt chẽ với đối tác và bạn bè trong khu vực, đặc biệt là với ASEAN để xem chúng ta có thể giải quyết thách thức như thế nào. Với các dự án cải tạo, Trung Quốc cần phải dừng hoạt động đó, cùng hợp tác để xử lý những khác biệt và tiến tới bộ Quy tắc ứng xử COC", bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông có tính ràng buộc về pháp lý giữa ASEAN và Trung Quốc, ông Blinken nói.
Trung Quốc hiện đẩy mạnh việc bồi đắp và xây dựng cơ sở hạ tầng tại 7 đá ở Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Trung Quốc mới đây cũng công khai thừa nhận mục đích cải tạo là dùng cho cả dân sự và quân sự. Hôm 12/5, một quan chức Mỹ cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đề nghị điều phi cơ và tàu quân sự của Washington tới khu vực trong phạm vi 12 hải lý quanh những bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa mà Bắc Kinh đang tiến hành cải tạo.
Ông Blinken cho rằng Mỹ có mối quan hệ "phức tạp" với Trung Quốc, mối hợp tác quan trọng nhưng cũng có những yếu tố cạnh tranh. Mỹ hy vọng sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ mang tính chất hòa bình và tuân theo luật pháp cùng các quy tắc quốc tế.
Thứ trưởng Blinken cũng tin rằng vấn đề Biển Đông sẽ được bàn luận chính trong Đối thoại Shangri -la, Hội nghị an ninh cấp cao châu Á Thái Bình Dương, cuối tháng này tại Singapore. Dự kiến Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ tham dự.
Nói về chuyến thăm Mỹ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sắp tới, ông Blinken cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama đang trông đợi chuyến thăm đó. Chuyến đi của ông Trọng sẽ "giúp gửi ra một thông điệp mạnh mẽ với thế giới rằng Việt Nam và Mỹ, hai nước cựu thù có thể trở thành bạn". Hai bên không chỉ thiết lập hòa bình mà còn đang xây dựng quan hệ đối tác thực sự, hợp tác đang mở rộng thêm trong nhiều lĩnh vực.
Ông Blinken cũng tiết lộ sắp tới Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và Ngoại trưởng John Kerry sẽ thăm Việt Nam, nằm trong các chuyến trao đổi cấp cao giữa hai nước nhân kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ.
Sau chuyến thăm Việt Nam hai ngày 18 - 19/5, Thứ trưởng Blinken sẽ đến Indonesia và Myanmar. Dự kiến ông Blinken sẽ thảo luận với các đại diện của ASEAN tại Jakarta nhằm tăng cường hợp tác với các thành viên của hiệp hội. Ông Blinken hy vọng Việt Nam và các nước đang đàm phán khác có thể ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong những tháng tới.
Việt Anh - Dương Vân