Phát biểu trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ hôm 20/5, Ngoại trưởng Marco Rubio khẳng định Washington vẫn thực hiện các cam kết viện trợ quân sự cho Kiev được phê duyệt từ trước, chỉ trừ giai đoạn đình chỉ một tuần hồi đầu tháng 3 theo chỉ thị của Tổng thống Donald Trump.
Tuy nhiên, ông thừa nhận những đợt cung cấp khí tài mới sẽ là vấn đề khác, thêm rằng không phải đề xuất nào của Ukraine cũng được đáp ứng. "Ukraine yêu cầu cung cấp thêm các hệ thống phòng không Patriot, nhưng thành thật mà nói, chúng ta không có những tổ hợp này", ông cho hay.
Ngoại trưởng Rubio cho biết chính phủ Mỹ đang phối hợp chặt chẽ với các đồng minh trong NATO, trong đó có những quốc gia biên chế hệ thống Patriot, và khuyến khích họ cung cấp khí tài cho Ukraine."Dù vậy, không nước nào muốn từ bỏ hệ thống Patriot của họ. Chúng ta cũng không sản xuất chúng kịp", ông nói.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tại phiên điều trần ở Thượng viện hôm 20/5. Ảnh: AP
Lãnh đạo Bộ Ngoại giao Mỹ cũng khẳng định xung đột Nga - Ukraine không thể kết thúc bằng biện pháp quân sự, mà mọi chuyện cần được giải quyết trên bàn đàm phán. "Thách thức cơ bản mà chúng ta đang gặp phải là Nga muốn những thứ họ chưa có hoặc không có quyền đòi hỏi, trong khi Ukraine muốn những thứ họ không thể giành lại bằng biện pháp quân sự", ông nhấn mạnh.
Patriot là hệ thống vũ khí đắt nhất mà Mỹ và đồng minh viện trợ cho Ukraine. Mỗi tổ hợp có giá gần 1,1 tỷ USD, trong đó tên lửa có chi phí 690 triệu USD và các thành phần khác tốn khoảng 400 triệu USD. Đây từng được kỳ vọng là vũ khí có thể thay đổi đáng kể cục diện trên bầu trời Ukraine, nhờ năng lực chiến đấu vượt trội so với các hệ thống phòng không phương Tây viện trợ trước đó.
Các hệ thống Patriot của Ukraine được trang bị tên lửa PAC-3 MSE hiện đại nhất do Mỹ sản xuất, có tầm bắn tối đa 120 km đối với máy bay và 60 km đối với tên lửa đạn đạo.
Truyền thông Mỹ hồi đầu tháng dẫn lời các quan chức giấu tên cho biết Ukraine hiện sở hữu 8 tổ hợp Patriot, trong đó 6 hệ thống có khả năng hoạt động và hai tổ hợp đang được tân trang. Con số này sẽ tăng lên 10 sau khi Ukraine tiếp nhận một hệ thống bị Israel loại biên và một tổ hợp từ Đức hoặc Hy Lạp.
Tuy nhiên, số lượng này không đủ để lập lưới phòng không bao trùm toàn bộ lãnh thổ Ukraine. Tổng thống Volodymyr Zelensky khẳng định nước này cần ít nhất 27 tổ hợp Patriot để bảo vệ không phận, hoặc tối thiểu 10 hệ thống để phòng thủ các thành phố và trung tâm công nghiệp trọng yếu.

Bệ phóng Patriot được Mỹ triển khai tại Ba Lan hồi tháng 9/2024. Ảnh: US Army
Đại tá Yuri Ignat, thư ký báo chí Bộ tư lệnh không quân Ukraine, tuyên bố Patriot từng giúp đối phó tên lửa siêu vượt âm Kinzhal và tên lửa đạn đạo Iskander-M, nhưng nỗ lực đánh chặn ngày càng trở nên khó khăn hơn khi Nga liên tục nâng cấp vũ khí và điều chỉnh chiến thuật.
Lực lượng Nga cũng tập kích, phá hủy nhiều đài chỉ huy, radar dẫn bắn và bệ phóng Patriot, khiến tình trạng thiếu hụt khí tài của Ukraine càng thêm nghiêm trọng.
Tổng thống Zelensky ngày 3/5 tiết lộ Ukraine có thể được Mỹ cung cấp thêm tổ hợp phòng không trong khuôn khổ thỏa thuận khoáng sản, nhưng không nêu chủng loại và thời điểm chuyển giao.
Phạm Giang (Theo Reuters, Ukrainska Pravda, Kyiv Independent)