Tướng lĩnh Mỹ trong Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ngày 30/9 nhận định viễn cảnh Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ bảy là "vấn đề gây quan ngại rất sâu sắc".
"Để phản ứng, chúng ta trước hết phải tham vấn với đồng minh Hàn Quốc và các biện pháp sẽ tuân thủ học thuyết quân sự của chúng ta về răn đe phối hợp, vốn bao gồm nhiều phương tiện khác nhau trong tổng thể sức mạnh quốc gia", Đô đốc Sam Paparo, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, ám chỉ khả năng Washington phối hợp các phản ứng quân sự, ngoại giao và kinh tế.
Tướng Kenneth Wilsbach, tư lệnh không quân Mỹ tại Thái Bình Dương, nhận định việc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân là đặc biệt đáng lo ngại. Ông cho rằng Bình Nhưỡng không xem vũ khí hạt nhân là biện pháp răn đe đơn thuần, đồng nghĩa giới lãnh đạo Triều Tiên không loại trừ khả năng sử dụng loại vũ khí này.
"Họ từng đe dọa sử dụng những vũ khí đó nhắm vào các nước láng giềng và Mỹ. Những quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân khác không phát ngôn như thế. Mọi nước phải cẩn trọng", ông nói.
Tướng Wilsbach nói "sẽ không ngạc nhiên" nếu Bình Nhưỡng thử nghiệm vũ khí hạt nhân trong tương lai gần. Ông đánh giá bước đi đó mang ý nghĩa thay đổi cục diện khu vực, có thể khiến nhiều nước lo ngại, trong đó có cả Trung Quốc và Nga.
Trong tuần qua, Triều Tiên thực hiện 4 lần phóng thử tên lửa đạn đạo trong bối cảnh Phó tổng thống Mỹ thăm Nhật Bản và Hàn Quốc. Loạt động thái này khiến chính phủ các nước trong khu vực, Washington cùng giới quan sát lo ngại Bình Nhưỡng đang tạo đà cho một buổi thử nghiệm vũ khí hạt nhân.
Cộng đồng tình báo Hàn Quốc đánh giá buổi thử hạt nhân của Triều Tiên có thể diễn ra trong giai đoạn từ ngày 16/10 đến ngày 7/11, giai đoạn cận kề bầu cử giữa kỳ tại Mỹ. Quá trình chuẩn bị ở bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên đã hoàn tất.
Triều Tiên đã thử nghiệm vũ khí hạt nhân 6 lần kể từ năm 2006, gần nhất hồi tháng 9/2017.
Thanh Danh (Theo AFP)