"Mỹ sẽ tích cực vận động để tập hợp một liên minh nhằm mục tiêu xem xét chế độ Iran dưới góc nhìn thực tế hơn", AFP dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert hôm 17/5. "Những hoạt động gây bất ổn của họ không chỉ là mối đe dọa cho khu vực, mà còn ảnh hưởng tới cả thế giới", Nauert nhấn mạnh.
Phát ngôn viên này nói thêm rằng liên minh sẽ chỉ nhắm vào chính quyền Iran và "những hành động tồi tệ" của họ chứ không nhằm chống lại người dân nước này.
Kế hoạch lập liên minh toàn cầu chống lại chính quyền Iran sẽ được Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo công bố chi tiết vào ngày 21/5. Đây sẽ là chính sách ngoại giao lớn đầu tiên của ông kể từ khi nhậm chức hồi tháng 4.
Nauert so sánh liên minh này với liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria và Iraq. Được thành lập năm 2014, liên quân đã quy tụ được 75 thành viên và đẩy IS tới bờ vực bị đánh bại hoàn toàn. Tuy nhiên, Nauert không đề cập về việc liên minh chống chính quyền Iran có thực hiện hành động quân sự hay không.
Đề cập khả năng các nước châu Âu tham gia vào liên minh mới này, Nauert cho biết nhiều đồng minh của Mỹ "hoàn toàn hiểu" và "sẽ không nhắm mắt làm ngơ" với các hoạt động của Iran.
Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump vừa tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Thỏa thuận này được chính quyền cựu tổng thống Barack Obama cùng 5 cường quốc khác ký với Iran năm 2015, trong đó Tehran nhất trí hạn chế đáng kể chương trình hạt nhân để được dỡ bỏ lệnh cấm vận.
Trump kêu gọi một thỏa thuận mới nhằm hạn chế sâu hơn chương trình hạt nhân của Iran, cũng như kiềm chế chương trình tên lửa đạn đạo và sự ủng hộ của Iran với các nhóm vũ trang ở Trung Đông.
Bên cạnh Iran, các nước cùng ký kết thỏa thuận năm 2015 như Pháp, Anh, Đức, Trung Quốc và Nga cũng chỉ trích mạnh mẽ hành động rút lui của Mỹ. Liên minh châu Âu hôm 17/5 tuyên bố họ sẽ ngăn chặn ảnh hưởng của lệnh trừng phạt Mỹ áp đặt với Iran, cũng như nỗ lực duy trì thỏa thuận hạt nhân ngay cả khi không có Mỹ.
Ánh Ngọc