Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang cân nhắc áp dụng quy định mới về lý lịch và các hạn chế khác đối với sinh viên Trung Quốc tại Mỹ do lo ngại về tình trạng gián điệp đang gia tăng, Reuters dẫn nguồn tin từ quốc hội Mỹ cho biết.
Những ý tưởng được đưa ra bao gồm kiểm tra dữ liệu điện thoại và toàn bộ tài khoản mạng xã hội, nhằm phát hiện bất cứ manh mối nào gây nghi ngờ về mục đích tới Mỹ của sinh viên đó, chẳng hạn như liên quan đến các tổ chức của chính phủ Trung Quốc. Chính quyền Mỹ còn dự kiến đào tạo cho các quan chức ngành giáo dục về cách phát hiện gián điệp và tin tặc.
"Mọi sinh viên mà chính phủ Trung Quốc cử đến phải trải qua quá trình phê duyệt của đảng và chính phủ. Người đó có thể không tới đây vì mục đích gián điệp như theo định nghĩa truyền thống. Tuy nhiên, sinh viên Trung Quốc nào tại Mỹ cũng có ràng buộc với chính phủ", một quan chức cấp cao của Mỹ giải thích.
Nhà Trắng từ chối bình luận về thông tin. Khi được hỏi những kiểm tra bổ sung nào với sinh viên đang được xem xét, một quan chức Bộ Ngoại giao cho biết họ "đảm bảo những người được cấp thị thực Mỹ đủ tiêu chuẩn và không gây rủi ro cho lợi ích quốc gia".
Bộ Ngoại giao Mỹ hồi tháng 6 quyết định rút ngắn thời hạn thị thực từ 5 năm xuống còn một năm đối với các sinh viên sau đại học Trung Quốc đang theo học ngành hàng không, nghiên cứu robot và sản xuất tiên tiến. Các quan chức cho biết mục đích của động thái này là nhằm hạn chế nguy cơ gián điệp và ăn cắp tài sản trí tuệ trong các lĩnh vực quan trọng với an ninh quốc gia.
Bắc Kinh nhiều lần nhấn mạnh Washington đã phóng đại vấn đề vì lý do chính trị. Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải cho rằng các cáo buộc là vô căn cứ và "rất khiếm nhã". "Tại sao mọi người lại cáo buộc họ là gián điệp? Tôi nghĩ rằng điều này vô cùng bất công với họ", đại sứ phát biểu.
Việc tăng cường kiểm tra các sinh viên Trung Quốc là một phần trong nỗ lực đối đầu với Bắc Kinh trước tình trạng mà Washington coi là sử dụng những phương thức bất hợp pháp để đạt được tiến bộ công nghệ nhanh chóng. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới còn đang trong cuộc chiến thương mại và ngày càng mâu thuẫn về các vấn đề kinh tế cũng như ngoại giao.
Theo nhận định của các quan chức chính phủ, bất cứ sự thay đổi nào cũng có nguy cơ phá vỡ thế cân bằng trong việc vừa ngăn chặn nguy cơ gián điệp, vừa không làm mất đi những sinh viên tài năng. Việc giảm số lượng sinh viên có thể sẽ làm tổn hại tới tài chính của các trường đại học hoặc kìm hãm sự đổi mới công nghệ.
Ánh Ngọc