Phải mất cả nửa đầu thế kỷ XX, người ta mới nhận ra vai trò thực sự của dầu mỏ, nguồn nhiên liệu giá trị nhất trong lịch sử phát triển của loài người. Nó đã trở thành nguồn nhiên liệu chính cho xã hội từ khi công cuộc hiện đại hóa bắt đầu được thực hiện. Là nguồn nhiên liệu không thể thiếu, chính nó là yếu tố trọng tâm hình thành nên chính sách ngoại giao giữa các quốc gia.
Mối quan tâm của các nhà lãnh đạo Nhật Bản đối với loại nguyên liệu này chính là nguyên nhân dẫn tới cuộc tấn công vào Trân Châu Cảng. Nhờ Chiến tranh thế giới thứ hai, vai trò của dầu mỏ ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Nó là nhiên liệu để các loại động cơ như: xe tăng, máy bay và các chiến hạm hoạt động; một quốc gia tham chiến không thể không sử dụng loại nhiên liệu này.
Dầu mỏ cũng trở thành một loại phương tiện đơn lẻ nhưng tối ưu nhất của các “tập đoàn trị”.
Sau khi hòa bình lập lại, tổng giám đốc của các công ty dầu mỏ của Mỹ lập tức lên một kế hoạch có thể thay đổi cả một giai đoạn lịch sử. Họ quyết định rằng dầu mỏ là nguồn lợi lớn nhất của mình (và cũng là lớn nhất đối với đất nước!) để thuyết phục tổng thống và quốc hội Mỹ cho phép dự trữ nhiên liệu cho các cuộc chiến trong tương lai và cho các vấn đề phát sinh khác.
Tại sao lại phải khai thác nguồn dầu mỏ trong nước trong khi họ hoàn toàn có thể khai thác từ các lục địa khác? Trong mối quan hệ hợp tác với các công ty của Anh và các nước châu Âu, họ thuyết phục được chính phủ các nước tin rằng việc phá bỏ hàng rào thuế quan và có thêm những ưu đãi khác là những điều kiện cần thiết để đảm bảo việc cung cấp nhiên liệu trên toàn thế giới.
Kế hoạch này đã được tất cả các nhà lãnh đạo đứng đầu các quốc gia và quốc hội ủng hộ, và là nguyên nhân dẫn đến các chính sách phân chia lại ranh giới, lãnh thổ giữa các quốc gia, tạo ra các vương quốc và hạ bệ các chính phủ. Giống như vàng, dầu mỏ trở thành biểu tượng của quyền lực và là cơ sở để định giá tiền tệ. Song, dầu mỏ khác vàng ở chỗ nó là nhiên liệu thiết yếu đối với các ngành công nghệ hiện đại như ngành sản xuất đồ nhựa, hóa chất và sản xuất máy vi tính.
Ban đầu, có vẻ như kế hoạch này sẽ giúp các nước sản xuất dầu mỏ ở Thế giới thứ ba phát triển kinh tế. Nhưng sau đó, cũng như vàng, dầu mỏ trở thành mặt hàng siêu lợi nhuận. Các quốc gia giàu lên nhờ nguồn nhiên liệu này giống như người đi tìm nguồn khoáng sản tại các thành phố đang phát triển nhanh ở miền Viễn Tây: ngay khi đi đến quyết định, họ sẽ trở thành mục tiêu của những kẻ vô lại và những tay trùm trộm cướp.
Thành công của Tổng thống Mỹ - Roosevelt lúc bấy giờ đã dẫn tới sự ra đời của một thế hệ điệp viên mới, một thế hệ của những sát thủ kinh tế. Bài học nhãn tiền từ Iran rất rõ ràng: Hoàn toàn có thể xây dựng một đế quốc mà không cần phải gây ra cuộc chiến tranh hay hao tổn nhiều tiền bạc. Thủ đoạn của CIA có thể được áp dụng ở bất cứ quốc gia nào có nguồn tài nguyên thiên nhiên mà các “tập đoàn trị” của Mỹ thèm muốn. Nhưng chỉ có một vấn đề duy nhất. Kermit Roosevelt là nhân viên của CIA, một khi anh ta bị bắt, hậu quả sẽ khôn lường. Ngay lập tức, chính phủ Mỹ quyết định thay thế các đặc vụ của mình bằng các nhân viên mật vụ làm việc trong khu vực tư nhân. Một trong những công ty được gia nhập vào danh sách này chính là công ty của tôi, MAIN.
Ngay từ đầu, những sát thủ kinh tế, đã khám phá ra rằng mình không cần phải chờ cho các quốc gia quốc hữu hóa các dàn khoan dầu để lấy đó như là cái cớ để tiến hành các chính sách của mình. Chúng biến Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và các cơ quan “đa quốc gia” thành công cụ cho quá trình chinh phục thuộc địa. Chúng đã thương lượng được những vụ làm ăn béo bở cho các tập đoàn của Mỹ, lập ra những hiệp định thương mại “tự do” mà rõ ràng là để phục vụ cho lợi ích của các hãng xuất khẩu của chúng tôi chứ không phải cho các hãng xuất khẩu của những nước thuộc Thế giới thứ ba và đặt lên vai các quốc gia này những khoản nợ khổng lồ, khó lòng chi trả nổi.
Trên thực tế, chúng đã tạo ra những chính quyền bù nhìn, bề ngoài là đại diện cho đại đa số người dân nhưng thực chất chính phủ đó lại là đầy tớ của chúng. Một số ví dụ điển hình trong thời gian gần đây là chính phủ ở các quốc gia: Iran, Jordan, Saudi Arabia, Kuwait, Ai Cập và Israel.
Cùng với những nỗ lực kiểm soát chính trị toàn cầu của các sát thủ kinh tế, các tập đoàn trị cũng tiến hành một loạt chiến dịch đẩy mạnh lượng tiêu thụ dầu mỏ. Giống như những kẻ buôn bán ma túy, các chuyên gia quan hệ công chúng đã thổi bùng lên một phong trào rộng khắp, khuyến khích người dân mua sản phẩm của các tổ chức thuộc “tập đoàn trị” (thông thường, các mặt hàng này đều phụ thuộc vào dầu mỏ và được sản xuất tại các xí nghiệp bóc lột nhân công ở các nước thuộc Thế giới thứ ba, dưới những điều kiện lao động khắc nghiệt).
Trong suốt nhiều thập kỷ sau sự phát triển thần kỳ của Iran, các chuyên gia kinh tế thường lấy những ví dụ điển hình về sự tăng trưởng kinh tế nhanh và mạnh làm bằng chứng cho thấy nghèo đói đang bị đẩy lùi. Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy ở các nước châu Á, các con số thống kê được đưa ra chỉ là lừa dối. Cộng thêm việc phủ nhận sự suy thoái về mặt xã hội và môi trường, những thống kê sai lệch đó rõ ràng không thể giúp giải quyết những vấn đề có tính chất lâu dài.
Một ví dụ điển hình của “những hậu quả ngoài ý muốn” là những sự kiện xảy ra do chuyến viếng thăm của Roosevelt tới Iran. Kỳ tích có thể mang lại quyền lực cho một nhà độc tài dầu mỏ nhưng cũng có thể giúp thể chế hóa những phong trào chống Mỹ diễn ra tại khu vực Trung Đông. Người dân Iran không bao giờ tha thứ cho Mỹ về việc lật đổ vị thủ tướng nổi tiếng được họ bầu cử dựa trên tinh thần dân chủ.
Ngay cả những người dân ở các quốc gia láng giềng của Iran cũng vậy. Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử chính trị đã đặt ra câu hỏi nếu Washington ủng hộ chính quyền của Mossadegh và khuyến khích ông sử dụng nguồn thu nhập từ dầu mỏ để giúp người dân Iran thoát khỏi đói nghèo, thì điều gì sẽ xảy ra. Nhiều người trong số họ đưa ra kết luận rằng hành động này sẽ khuyến khích các quốc gia khác phát triển theo hướng dân chủ và có thể chặn đứng các cuộc xung đột khủng khiếp vốn gây nhức nhối cho khu vực này từ xưa tới nay.
Thế nhưng, trên thực tế, nước Mỹ lại bị coi là một quốc gia không đáng tin cậy, không có người bảo vệ cho chế độ dân chủ mà người Mỹ tự mình dựng lên và rằng mục tiêu của nước Mỹ không phải là để giúp đỡ các nước Thế giới thứ ba. Tất cả những gì nước Mỹ làm chỉ đơn thuần là vì muốn sở hữu những nguồn tài nguyên quý giá của các quốc gia đó.
Trong cùng giai đoạn đó, nước Mỹ cũng vấp phải những khó khăn rất nghiêm trọng ngay chính trên đất nước mình. Quá trình mở rộng quyền lực của tập đoàn trị đã đẩy đất nước ngập sâu vào nợ nần. Ngày càng có nhiều nhà máy sản xuất phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và mỏ khai thác dầu của chúng ta nằm trên các quốc gia khác. Những chủ nợ nước ngoài yêu cầu được trả nợ bằng vàng. Vì vậy, năm 1971, chính quyền Nixon đã đáp trả bằng việc thu hồi bản vị vàng.
Lúc đó, Washington liên tục phải đối mặt với những khó khăn mới. Nếu các chủ nợ chuyển sang một loại tiền khác thì “tập đoàn trị” sẽ buộc phải trả nợ bằng một loại tiền tệ có giá trị tương đương với vàng. Điều này sẽ trở nên rất khủng khiếp bởi vì ngân quỹ của tập đoàn trị không còn đủ để mua đứt các khoản nợ này. Lá chắn duy nhất để không đi đến phá sản là Sở đúc tiền của Mỹ, bằng khả năng của mình đã in ra những đồng đôla Mỹ và độc quyền về giá trị của nó. Do đó, điều cấp thiết là làm sao để thế giới vẫn tiếp tục chấp nhận đồng đôla Mỹ là đồng tiền chuẩn trên thế giới.
Đồng đôla lên ngôi
"Chuyện gì sẽ xảy ra với đồng đôla? Tôi ngờ rằng cuối cùng chính dầu mỏ sẽ quyết định giá trị của nó” - Chủ tịch tập đoàn MAIN Jake Dauber khẳng định không lâu sau khi chính phủ đưa ra quyết định quan trọng vào năm 1971 xóa bỏ bản vị vàng.
Khi đó, Jake đã xiết chặt tay vợ mình, nhìn vào mắt bà và nói: “Tổng thống Nixon đã có một nhóm chuyên gia rất thông minh, (ngoại trưởng) Kissinger, Shultz và Cheney. Tôi đã đoán trước được cái ngày tôi và mình sẽ ngồi bên nhau, tựa lưng trên ghế sofa và nói rằng chúng ta là một phần của sự kiện vĩ đại này. Nước Mỹ đang bắt đầu một giai đoạn mới trong lịch sử thế giới và chúng ta là những người tiên phong”.
Jake đã không thể sống đến ngày mà ông muốn chia sẻ cùng vợ mình. Ông mất không lâu sau cuộc hành trình đó và chiếc ghế chủ tịch tập đoàn MAIN được thay thế bằng Bruno Zambotti, người được ông bảo hộ. Tuy nhiên, những phân tích của ông về tương lai đồng đôla lại rất chính xác. Nhóm chuyên gia của Nixon không chỉ thông minh mà còn rất xảo quyệt.
Đồng minh đầu tiên của Washington trong cuộc đấu tranh bảo vệ quyền tối cao của đồng đôla chính là Israel. Hầu hết mọi người, bao gồm phần lớn người Israel, đều tin rằng quyết định của Tel Aviv trong đòn tấn công phủ đầu chống lại quân đội các nước Ai Cập, Syria và Jordan dọc theo biên giới quốc gia năm 1967 (cuộc chiến này còn được gọi là Cuộc chiến tranh sáu ngày) là để bảo vệ biên giới quốc gia. Mở rộng lãnh thổ quốc gia là kết quả rõ ràng nhất của cuộc chiến: Kết thúc một tuần đẫm máu, vùng đất Israel chiếm giữ được mở rộng gấp bốn lần trước đó, bao gồm vùng phía Đông Jerusalem, vùng Bờ Tây, bán đảo Sinai của Ai Cập, và cao nguyên Golan của Syria. Tuy nhiên, Cuộc chiến tranh sáu ngày nổ ra còn vì một mục đích khác.
Việc mất đi phần lãnh thổ của mình đã khiến người Ảrập tức giận vì họ thấy mình bị làm bẽ mặt. Sự giận dữ của họ hầu hết đều nhắm vào nước Mỹ. Họ biết rõ Israel sẽ chẳng bao giờ có thể thành công nếu không có sự giúp đỡ về tài chính và chính trị cũng như việc nước Mỹ công khai đe dọa rằng quân đội Mỹ sẵn sàng sát cánh bên Israel nếu có chuyện gì không hay xảy ra. Chỉ một số người Ảrập hiểu rằng những động thái của Washington phục vụ cho mục đích của chính bản thân mình nhiều hơn là bảo vệ vùng đất của người Do Thái và rằng Nhà Trắng sẽ biến sự tức giận của người dân Ảrập thành điều có lợi cho mình.
Không còn nghi ngờ gì nữa, đồng minh thứ hai của Nixon chính là tất cả cộng đồng người theo đạo Hồi tại vùng Trung Đông. Ngày 6/10/1973 (ngày lễ Yom Kippur của những người Do Thái), đáp lại cuộc Chiến tranh sáu ngày năm 1967, Ai Cập và Syria đồng loạt tấn công Israel. Biết rằng, về mặt chiến lược, mình ở thế yếu nên tổng thống Ai Cập, Anwar Sadat đã gây áp lực với nhà vua Faisal của Saudi Arabia, phải tấn công nước Mỹ (và vì thế tấn công cả Israel) bằng một cách khác, đó là tận dụng “vũ khí dầu lửa”. Ngày 16/10, Saudi Arabia và bốn quốc gia Ảrập khác ở vùng Vịnh thông báo giá dầu niêm yết tăng lên đến 70%; Iran (không phải là một quốc gia Ảrập nhưng theo đạo Hồi) cũng nằm trong liên minh các nước trên vì sự đoàn kết của các quốc gia theo đạo Hồi. Trong suốt những ngày sau đó, bộ trưởng dầu lửa của các nước Ảrập thống nhất rằng nước Mỹ cần bị trừng phạt vì đã ủng hộ Israel, họ nhất trí ủng hộ việc đưa ra một lệnh cấm về dầu lửa.
Đó là một cuộc chơi thường thấy trên bàn cờ quốc tế. Ngày 19/10, tổng thống Nixon đệ trình Quốc hội chi 2,2 tỷ đôla Mỹ để hỗ trợ Israel. Ngay ngày hôm sau, dưới sự dẫn đầu của Saudi Arabia, các nhà sản xuất dầu Ảrập áp đặt một lệnh cấm vận đối với toàn bộ những tàu chở dầu tới nước Mỹ. Vào thời điểm đó, có rất ít người hiểu được trò gian xảo đằng sau động thái của Washington, hay sự thật rằng hành động đó là để chống đỡ sự suy giảm của đồng đôla.
Động thái này có ảnh hưởng rất lớn. Ngày 1/1/1974, giá dầu của Saudi Arabia đạt kỷ lục mới, tăng gần 7 lần so với giá dầu cách đó 4 năm. Giới truyền thông cảnh báo rằng nền kinh tế Mỹ đang tiến đến bờ sụp đổ. Những dòng xe hơi dài xếp hàng tại các trạm xăng trên khắp đất nước, trong khi đó, các nhà kinh tế lại bày tỏ nỗi lo sợ về khả năng đình trệ kinh tế như từng xảy ra năm 1929. Việc bảo vệ những nguồn cung cấp dầu lửa trước đó đã là ưu tiên hàng đầu, bỗng chốc lại trở thành nỗi ám ảnh của nước Mỹ.
Ngày nay, chúng ta đều biết rằng chính các tập đoàn trị đã đóng vai trò tích cực trong việc đẩy giá dầu lên mức cao kỷ lục như vậy. Mặc dù các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và chính trị, trong đó có cả giám đốc của các công ty dầu lửa, giả vờ tỏ ra giận dữ, nhưng họ chỉ là những con rối bị giật dây. Nixon và các cố vấn nhận ra rằng 2,2 tỷ đôla hỗ trợ cả gói cho Israel sẽ buộc các quốc gia Ảrập phải đưa ra những hành động mạnh mẽ hơn. Bằng việc ủng hộ Israel, chính quyền Mỹ đã sắp đặt một tình huống tạo ra thỏa thuận xảo quyệt và quan trọng nhất cho các sát thủ kinh tế trong thế kỷ XX.
(Trích cuốn "Bí mật đế chế Hoa Kỳ" do Alpha Books phát hành)