Christopher Ford, trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ về an ninh quốc tế và kiểm soát vũ khí hôm 19/12 đã gửi lời mời Bắc Kinh tham gia cuộc đối thoại an ninh chiến lược hai chiều. "Chúng tôi hy vọng sẽ bắt đầu càng sớm càng tốt. Chúng tôi mong chờ câu trả lời của Bắc Kinh", Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố trên Twitter.
Washington cho biết thêm rằng cuộc đàm phán đề xuất với Bắc Kinh sắp tới sẽ tập trung vào việc giảm thiểu các rủi ro hạt nhân và kiểm soát vũ khí trong tương lai, nhưng không cung cấp thêm chi tiết.
Đây được xem là nỗ lực của Washington trong việc hướng tới một thỏa thuận hạt nhân ba bên cùng với Moskva và Bắc Kinh. Giới chức Trung Quốc chưa bình luận gì về đề xuất trên, song nhiều lần cho biết họ không quan tâm đến việc đàm phán thoả thuận này. Bắc Kinh hồi tháng 5 từ chối đề nghị tham gia đàm phán hạt nhân với Mỹ và Nga. Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cũng chưa bình luận thông tin.
Bắc Kinh giải thích rằng kho gồm 300 vũ khí hạt nhân của Trung Quốc chỉ là một phần so với kho vũ khí Mỹ và Nga đang duy trì. Song chính quyền Trump cho rằng khả năng hạt nhân của Trung Quốc đang được cải thiện, đồng nghĩa thỏa thuận hạt nhân ba bên không phải không có ý nghĩa với Bắc Kinh.
Pranay Vaddi thuộc Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế, cựu thành viên cơ quan kiểm soát vũ khí Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời Obama và Trump, cho rằng chính quyền Trump đã chờ đợi quá lâu để mời Trung Quốc tham gia vào đàm phán ba bên về vũ khí hạt nhân. Lý do Vaddi đưa ra là "sự phức tạp của thỏa thuận chi tiết về kiểm soát vũ khí ba bên".
Thông điệp của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 19/12 không đề cập đến số phận của hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược Mới (New START) được phê chuẩn vào năm 2010. New START giới hạn số lượng được triển khai của tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, máy bay ném bom vũ trang hạt nhân và đầu đạn hạt nhân của Nga và Mỹ.
New START sẽ hết hạn vào tháng 2/2021. Tổng thống Nga Putin nói hiệp định nên được gia hạn. Tổng thống Mỹ Trump lại để ngỏ khả năng tiếp tục hiệp ước, bởi ông cho rằng nó không đủ để kiềm chế chạy đua vũ trang.
Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ ước tính mỗi nước Mỹ và Nga có khoảng 4.000 vũ khí hạt nhân trong kho dự trữ.
Mai Lâm (Theo WSJ)