Các điều khoản miễn trừ cho phép chính phủ Mỹ, các nhóm viện trợ và các tổ chức quốc tế "tham gia hoạt động cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho Afghanistan hoặc các hoạt động khác hỗ trợ nhu cầu cơ bản của con người", Bộ Tài chính Mỹ cho biết trong thông cáo ngày 24/9.
Bộ Tài chính Mỹ cũng cho phép thực hiện "một số giao dịch nhất định liên quan đến xuất khẩu hoặc tái xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp, thuốc và thiết bị y tế", thông cáo có đoạn. Tuy nhiên, Mỹ sẽ tiếp tục duy trì lệnh trừng phạt "đối với Taliban, mạng lưới Haqqani và các thực thể bị trừng phạt khác" tại Afghanistan.
"Bộ Tài chính Mỹ sẽ tiếp tục làm việc với các tổ chức tài chính, các tổ chức quốc tế và cộng đồng tổ chức phi chính phủ để khơi thông dòng chảy các nguồn lực quan trọng như hàng hóa nông nghiệp, thuốc men và các nguồn cung cấp thiết yếu khác cho những người có nhu cầu", Andrea Gacki, giám đốc Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ, cho biết.
Đối mặt với các lệnh trừng phạt và cắt giảm viện trợ sau khi Taliban tiếp quản quyền lực hồi tháng 8, Afghanistan đứng trước một cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng leo thang khi giá nhiên liệu và thực phẩm tăng, còn tiền mặt cạn kiệt.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đình chỉ hoạt động tại Afghanistan sau khi Taliban tiếp quản quyền lực, dẫn tới việc đình chỉ viện trợ và 340 triệu USD dự trữ mới được IMF phát hành hồi tháng 8.
Mỹ cũng ngăn Afghanistan tiếp cận phần lớn trong khoản dự trữ 9 tỷ USD của quốc gia Trung Á đang được gửi ở nước ngoài. Cựu giám đốc ngân hàng trung ương Afghanistan Ajmal Ahmady cảnh báo khủng hoảng tiền mặt do động thái trên gây ra có thể dẫn tới khủng hoảng kinh tế ở quốc gia Trung Á.
Nguyễn Tiến (Theo AFP)