- Bao nhiêu năm rồi tóc ngắn Mỹ Linh vẫn xinh tươi, chị thấy sao trước nhận xét này?
- Ui chao! Được cái hay cười, chẳng mấy khi khóc đâu, nhưng xinh lên thì hình như nhà báo quá khen thôi. Quy luật của cuộc đời làm sao tránh được thời gian. Tôi chẳng bao giờ sợ các nếp nhăn, bởi nó là một phần thuộc về mình.
- Nhưng phụ nữ ai cũng sợ già, nhất là các nghệ sĩ. Tại sao chị lại không sợ nếp nhăn?
- Nói một cách hết sức nghiêm túc đấy: con người ta tránh làm sao được. Đối với tôi bây giờ, bên cạnh công việc còn gia đình, những đứa con thông minh hơn, càng ngày chúng hiểu biết nhiều hơn, bản thân tri thức của mình cũng vậy. Cách đây 5 năm nó khác, cùng một vấn đề nhưng giờ nhìn nhận khác đi. Đấy là cái được, vậy mình cũng phải chấp nhận rằng, thời gian mang đến cho con người ta nhiều điều mới mẻ, những hiểu biết về cuộc sống, những điều tốt đẹp khác thì cũng sẽ lấy đi của ta tuổi tác, một vài nét chân chim nơi khóe mắt, một vài nếp hằn trên chán là lẽ đương nhiên. Không bao giờ quá quan tâm đến nó, tôi đón nhận một cách bình thản.
Thực ra sợ nhất tâm hồn mình già cỗi, chứ không sợ cái già bên ngoài. Khi tâm hồn già cỗi nó có thể hiện ra khuôn mặt ngay. Người ta hay có câu "Ăn gì trẻ thế". Ví dụ như thế này: chú Dương Thụ chẳng hạn, ông đã rất lớn tuổi, ông sống trong sáng trong tư duy, nồng nàn trong cảm xúc, nhiệt tình tốt tính, trong công việc sôi nổi, hào hứng, cho nên mình thấy ông rất trẻ, lúc nào cũng đẹp. Có cái đẹp mà nhiều thanh niên không có được đâu.
|
Ca sĩ Mỹ Linh. Ảnh: Phạm Hoài Nam. |
- Trong nghệ thuật, âm nhạc dễ lên ngôi nhất, dễ nổi tiếng, dễ lăng-xê, và cả dễ có tiền nữa. Chị nghĩ gì về ý kiến này?
- Thứ nhất, nhạc dễ đi vào lòng công chúng nhất. Thứ hai, nhạc dễ được các nhà tài trợ ủng hộ phía sau lưng. Khi tài trợ, họ treo được hình ảnh của họ lên, đưa được logo của họ ra, đấy chính là lý do để tài trợ. Trong âm nhạc, không chỉ có nhạc trẻ đâu, còn khí nhạc, nhạc dân ca, nhạc thính phòng, nhạc kịch, nhạc dân tộc... nữa. Nhạc nhẹ chỉ là một phần rất nhỏ, không phải vì một chút nhạc trẻ mà bảo âm nhạc Việt Nam phát triển. Khí nhạc nào của tác giả Việt Nam ra được nước ngoài chưa, mà Tây nghe được chưa hay là trong nước cũng chẳng ai nghe, mặc dù các "ông" đứng ở trên, vỗ ngực là lớn nhất. Tại vì cái này chỉ dọa được đám người không biết gì thôi, giống như về quê mà "lòe" dân quê.
- Cuộc sống thật không đơn giản, với nghệ sĩ lại càng không, vì trái tim họ quá mênh mông và luôn bất ổn... Nhưng chị lại thật no đủ, thành danh trong sự nghiệp, đời sống gia đình cũng xuôi chèo mát mái, hạnh phúc đề huề, có bí quyết nào chăng?
- Tôi may mắn trên bước chân ra đời để tự lập gặp toàn những người tốt, tốt cả về nghề để người ta chỉ bảo mình, tốt cả về đời để người ta đi cùng mình. Đấy là duyên may, không phải ai cũng có được. Tất cả mọi người đều có thời của mình, tôi có thời điểm của tôi, và luôn sống đúng, khi sống đúng thì tất cả đều rất tốt.
- Thường thì nghệ sĩ có chất "phiêu" lắm, kiểu như họ hơi lơ đãng, còn chị lại rất tỉnh. Vì sao vậy?
- Tại vì như thế này, mọi người hay gán ghép con người của đời thật vào con người ở trên sân khấu. Hai cái đấy khác nhau. Ở trên sân khấu khác, lúc làm việc khác, cuộc sống không thể cứ đánh đồng, cứ nghệ sĩ là tóc tai bù xù, áo quần luộm thuộm. Đó là nghệ sĩ của thời xưa. Bây giờ cũng có người như thế thật, nhưng một số nhỏ thôi, còn lại là "diễn". Nghệ sĩ, anh có thể điên rồ, anh có thể gào thét, anh có thể cởi quần áo... tất cả đều có thể chấp nhận được, nếu như đó là con người thật anh.
Nếu chỉ là cái theo đòi, nghĩ rằng "nghệ sĩ phải thế" thì bác Dương Tường, chú Dương Thụ chẳng hạn, họ cực kỳ thực tế, làm việc rất căng chứ không phải "tôi là nghệ sĩ đây nên tôi phải thế này, phải đợi tôi ngồi tôi chờ cảm hứng". Như anh Thành Chương cứ đến giờ là ngồi vào giá vẽ. Làm thợ ảnh cũng thế, anh cứ mang máy đi chụp, chụp 1.000 cái anh bỏ, chỉ còn lại một tấm. Đấy, người ta lao động thực sự chứ không phải nghệ sĩ là ngồi chờ cảm hứng, bê tha... Không, tôi không đồng ý như thế. Tất nhiên, một vài cá nhân có tài năng thật sự, cũng có, chứ không phải không, bởi con người họ thật như thế. Còn lại số đông là đua đòi, gọi là biểu diễn để cho mọi người thấy rằng "tôi là nghệ sĩ đây, tôi phải đi xe này, tôi phải thế kia..."
- Có câu thơ: "Hồn nghệ sĩ ù ù gió thổi/ Mặt diễn viên trăng gió rọi soi". Ít nhiều nghệ sĩ cũng có chất tang bồng, mây gió, còn chất nghệ sĩ trong chị thế nào?
- Tôi không nghĩ nghệ sĩ phải khác người thường. Còn không biết ý kiến của người khác thì ra sao? Nghệ sĩ là gì? Là tác phẩm của anh, thành quả mà anh làm được, chứ không phải là hình dáng con người anh với đầu bù tóc rối, hay cái cách anh thể hiện sự quái đản lập dị. Mặc dù những cái đó chẳng có gì xấu. Nếu quả thực anh cần sống như thế để ra những tác phẩm thì cũng bình thường. Nhiều người vỗ ngực 5-6 chức danh cùng một lúc. Nào nhà văn, nhà thơ, đồng thời nhà báo, nhà nọ, nhà kia... nhiều nhà lắm, nhưng hỏi có tác phẩm nào để biết rút cục anh là nhà nào, nhà nào tay phải, nhà nào tay trái của anh thì chẳng có nhà nào để làm cho tôi nhớ. Thế tôi mới nghĩ rằng chỉ nên xếp anh vào loại nghiệp dư. Bởi anh giỏi tất cả mọi thứ, nhưng chẳng xuất sắc cái nào cả.
- Có đức tính nào mà mọi người ít biết về chị?
- Anh Quân chồng tôi nói là: "Nhiều khi em rất mờ nhạt, không bao giờ thấy em biểu lộ cảm xúc của mình quá, không nổi giận quá, buồn quá, hay vui quá...".
- Giới nghệ sĩ ly dị rất nhiều, theo chị thì đâu là nguyên nhân?
- Trên đời này không phải ai cũng có may mắn như ai. Gặp được người tốt thì được tốt, gặp phải người xấu thì biết làm sao. Cũng phải ly dị thôi chứ biết làm thế nào. Nhiều khi đấy là giải pháp tốt, khi họ không phải người xấu nhưng đối với mình họ không thể phù hợp được. Bởi vì cái tốt đấy của anh không phù hợp với tôi. Nhiều khi hai người tốt ở với nhau phải bỏ, bởi không thể dung hòa được. Vì ở những nền móng khác nhau, nền giáo dục khác nhau. Vì... có cả hàng trăm, hàng nghìn lý do, từ to đùng đến bé tí vớ vẩn nhất, để người ta ký vào đơn ly hôn, giải phóng cho nhau.
- Mỗi sáng hai vợ chồng hai tách cà phê Capuchino và ăn bánh pizza tại nhà hàng sang trọng, các con lại học ở trường quốc tế với mức học phí cả nghìn USD một tháng cho mỗi bé. Vậy thu nhập của anh chị như thế nào?
- (Cười) Đề nghị không bàn đến thu nhập. Đây là một chuyện hết sức riêng tư, bởi vì nhiều khi nhìn vậy mà không phải vậy. Chỉ có chính người trong cuộc là chắc, người ngoài không thể biết họ thu nhập bao nhiêu, hay là như thế nào, hay họ có nguồn trợ giúp nào khác... Đấy là tự cá nhân mỗi người.
- Trong âm nhạc cạnh tranh khốc liệt như vậy, để có bạn thân có khó đối với chị?
- Khó chứ. Nhưng không phải không có. Chỉ cần một, hai người là quá đủ.
Khi còn nhỏ, tôi theo chị Lam như một ca sĩ trẻ đi theo thần tượng, nhưng thực ra chưa bao giờ là bạn thân của chị Lam để nói chuyện tâm sự hết mọi điều. Một người bạn cực kỳ thân là một người chưa cần phải nói gì, chỉ nhìn nhau đã hiểu rồi, biết mình đang muốn diễn đạt cái gì. Người bạn thân có thể cãi nhau sứt đầu mẻ trán nhưng không bao giờ bỏ nhau, có thể tranh luận đến cùng nhưng luôn luôn lo cho nhau.
Quan trọng nhất, mình có được cảm giác biết họ có thể sẻ cho mình đồng bạc cuối cùng, nếu mà trong túi họ có 100 nghìn đồng sẵn sàng đưa mình 50 nghìn và giữ lại 50 nghìn. Đấy là người bạn thực sự. Tôi không có nhiều bạn thân đâu.
![]() |
Ảnh: Phạm Hoài Nam. |
- Thời gian rảnh rỗi chị làm gì?
- Tôi đọc sách, truyện và cảm thấy thú vị với những tác giả tôi yêu thích, cả văn học trong nước và nước ngoài. Tác giả không thích sẽ không đọc. Tôi hơi bị lạc hậu một chút, trừ nhạc. Nhạc trẻ mình nghe được. Có thể nghe chung nhạc với các con mình, nghe được hip hop, oranbe, các thứ điên rồ nhất, đọc rap, như thế nào cũng nghe được, nhưng chỉ giới hạn trong nhạc thôi.
- Thế còn điện ảnh thì sao?
- Bây giờ phải dùng phương pháp loại trừ, phim viễn tưởng không bao giờ xem. Phim gì không thật thì không thích. Hoặc phim bắn nhau nhiều, phim Tàu kung-fu cũng không muốn ngó. Những bộ phim tình cảm tinh tế, lãng mạn, sâu sắc xem "vào" vô cùng. Câu chuyện không có gì, nhưng đạo diễn giỏi xử lý lột tả nhân vật qua hành động. Thích những phim mà nội dung có thật ngoài cuộc sống. Càng thật càng thích. Hay xem phim đĩa chứ không xem phim truyền hình. Không phải vì chê phim chán mà vì phim rất dài. Tập nối tập. Đến giờ đó, ngày đó, mình còn phải làm nhiều công việc khác không có dư thời gian để theo dõi được.
- Nếu được tặng hoa thì chị thích hoa gì?
- Tôi phải là người cầu kỳ. Thật sự cũng không nghĩ là hoa gì nữa, mình nghĩ cách tặng rất quan trọng. Tôi chỉ không thích những bó hoa quá to, một ôm to đùng trông sợ lắm. Những bó hoa như thế thường đem cho đi, không mang về nhà. Thích bó hoa giản dị, khiêm nhường, và không lộ liễu, chỉ cần buộc một dải lụa nho nhỏ, xinh xắn.
(Theo Đàn Ông)