Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield hôm 1/3 cho biết bà vẫn coi đại sứ Kyaw Moe Tun là đại diện hợp pháp của Myanmar tại Liên Hợp Quốc, hai ngày sau khi chính quyền quân sự Myanmar sa thải ông vì bài phát biểu lên án đảo chính trước Đại hội đồng.
"Chúng tôi cảm thấy rất được khích lệ trước tuyên bố dũng cảm của đại sứ Kyaw Moe Tun", Thomas-Greenfield nói với phóng viên tại Liên Hợp Quốc. "Chúng tôi chưa thấy bất kỳ bằng chứng hoặc yêu cầu chính thức nào về việc ông bị sa thải, và ông hiện vẫn là đại diện của chính phủ Myanmar. Mỹ cam kết gây sức ép buộc quân đội Myanmar đảo ngược hành động và khôi phục chính phủ dân cử".
Stephane Dujarric, phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, cũng tuyên bố bất kỳ thách thức nào đối với vị trí của ông Kyaw Moe Tun đều cần được giải quyết tại ủy ban chứng nhận của Liên Hợp Quốc. Ủy ban cho đến nay chưa có hành động nào về vấn đề này, dấu hiệu không công nhận quyết định sa thải đại sứ từ Myanmar.
Phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 26/2, đại sứ Kyaw Moe Tun nghẹn ngào kêu gọi cộng đồng quốc tế "hành động mạnh mẽ hơn nữa để chấm dứt ngay lập tức cuộc đảo chính quân sự, ngăn chặn áp bức người dân vô tội, trả lại quyền lực nhà nước cho nhân dân và khôi phục nền dân chủ".
Kyaw Moe Tun nhấn mạnh ông sẽ sát cánh cùng những người tiếp tục "đấu tranh cho chính phủ của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân", đồng thời kết thúc bài phát biểu bằng cách giơ ba ngón tay, một biểu tượng thường xuyên xuất hiện trong các cuộc biểu tình phản đối đảo chính ở Myanmar. Bài phát biểu của ông được đại sứ từ các nước phương Tây và Hồi giáo vỗ tay tán thưởng.
Một ngày sau đó, đài truyền hình quốc gia Myanmar MRTV đưa tin ông Myanmar Kyaw Moe Tun bị sa thải với lý do "phản bội đất nước". Ông Kyaw Moe Tun sau đó tuyên bố "sẽ đấu tranh tới khi còn có thể".
Liên Hợp Quốc chưa công nhận chính quyền quân sự là chính phủ mới của Myanmar. Đặc phái viên LHQ phụ trách vấn đề Myanmar Christine Schraner Burgener cũng kêu gọi các quốc gia không công nhận hoặc hợp pháp hóa chính quyền quân sự Myanmar.
Tổng thư ký LHQ Guterres cam kết sẽ tăng ép từ cộng đồng quốc tế để "đảm bảo cuộc đảo chính này sẽ thất bại". Hội đồng Bảo an bày tỏ quan ngại về tình trạng khẩn cấp do quân đội Myanmar ban bố, song không ra tuyên bố lên án cuộc đảo chính, do vấp phải sự phản đối của Nga và Trung Quốc, những nước kêu gọi không can thiệp "tình hình nội bộ" Myanmar.
Huyền Lê (Theo SCMP)