Thông báo được Viện Y tế Quốc gia công bố ngày 25/2. Thuốc Remdesivir được phát triển bởi Công ty công nghệ sinh học Gilead Sciences, là loại thuốc tiềm năng có thể sử dụng điều trị Covid-19 mà không để lại tác dụng phụ. Bệnh nhân đầu tiên thử thuốc là một người Mỹ, một trong 13 hành khách bị cách ly trên du thuyền Diamond Princess và được chuyển đến Trung tâm Y tế Đại học Nebraska ngày 17/2 để tiếp tục điều trị.
Thử nghiệm này nhận được sự tài trợ của Bộ Y tế và Dịch vụ Dân sinh Mỹ (NIH), là một phần trong cuộc chạy đua nhằm xác định mức độ hiệu quả của Remdesivir trong điều trị Covid-19.
Dự kiến quá trình thử thuốc cần tới 400 tình nguyện viên. Các bệnh nhân được chọn ngẫu nhiên trên toàn thế giới và chia thành hai nhóm: sử dụng Remdesivir hoặc giả dược.
Theo giáo sư Andre Kalil, khoa nội Đại học Nebraska, người đứng đầu nghiên cứu, khả năng nghiên cứu sẽ hoàn thành vào tháng 4/2023, nhưng các nhà khoa học có thể thu được kết quả sơ bộ trong vòng một năm tới. Thời gian phụ thuộc vào mức độ bùng phát của bệnh.
"Trong trường hợp xấu nhất, nếu dịch Covid-19 trở nên trầm trọng hơn dự đoán, 400 bệnh nhân sẽ được chọn lọc rất nhanh chóng trong vòng vài tháng", giáo sư Kalil nói.
"Đây có lẽ là thử nghiệm nhanh nhất trong lịch sử Mỹ, bởi nó mới được lên kế hoạch tại NIH vài tuần trước, và chúng tôi có thể bắt đầu ngay lập tức", ông bổ sung.
Tình nguyện viên đủ điều kiện tham gia thử nghiệm Remdesivir phải có các triệu chứng rõ rệt bao gồm viêm phổi. Khoảng 80% người biểu hiện nhẹ như cảm cúm thông thường sẽ bị loại trừ. NIH dự kiến ghi danh các bệnh nhân thử thuốc từ nhiều quốc gia, gồm cả Nhật Bản và Italy.
Đầu tháng hai, các nhà khoa học Trung Quốc đã khởi động hai dự án thử nghiệm lâm sàng cho thuốc Remdesivir. Họ gặp nhiều trở ngại bởi quá ít tình nguyện viên đủ tiêu chuẩn. Bệnh nhân nặng phải nằm viện trong vòng 12 ngày kể từ khi phát bệnh và chưa từng điều trị bằng phương pháp nào trong một tháng trở lại đây. Bệnh nhân nhẹ hoặc trung bình cần nằm viện trong vòng 8 ngày. Trong khi đó nhiều người đã bắt đầu tự điều trị tại nhà ngay khi có triệu chứng đầu tiên theo khuyến nghị của nhà nước hoặc các thông tin trên mạng.
Số ca bệnh mới tại Trung Quốc giảm cũng khiến cho quá trình thử thuốc phần nào bị gián đoạn, theo tiến sĩ Bruce Aylward, người đứng đầu phái đoàn WHO đến Trung Quốc.
Gilead cam kết tài trợ thử nghiệm và đang cung cấp thuốc Remdesivir hoàn toàn miễn phí. Thông qua các nghiên cứu lâm sàng và trên động vật, thuốc từng được đánh giá là tiềm năng trong điều trị Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) cũng do virus corona gây ra.
NIH cũng dự kiến thử nghiệm trên người một loại vaccine được phát triển bởi Công ty công nghệ sinh học Moderna vào tháng 4 năm nay. Công ty này cho biết đã xuất xưởng lô vaccine đầu tiên.
Cuối tháng Một, Remdesivir được dùng khẩn cấp cho một bệnh nhân nam 35 tuổi ở Washington. Người này hồi phục nhanh chóng và được xuất viện. Các dữ liệu sơ bộ cho thấy kết quả khả quan, song giới chuyên gia cho rằng cần trải qua "thử nghiệm có kiểm soát nghiêm ngặt" trước khi phê duyệt thuốc.
"Chúng tôi chưa biết liệu thuốc có để lại tác dụng phụ ở người tương tự như động vật hay không, đây là lý do cần tiến hành các thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát", tiến sĩ Kalil giải thích.
Thục Linh (Theo WSJ)