Theo Bloomberg, cơ quan điều tra đang thu thập bằng chứng sàn giao dịch này cho phép người Nga chuyển tiền tự do, bất chấp lệnh cấm thương mại mà Mỹ áp đặt. Nguồn tin cũng tiết lộ Binance còn liên quan đến các cáo buộc trở thành công cụ để lách cấm vận đối với Iran.
Đây không phải cuộc điều tra duy nhất mà sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới phải đương đầu. Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) cùng Sở Thuế vụ (IRS) đã xem xét báo cáo về việc Binance được sử dụng cho hoạt động rửa tiền từ năm 2021.
Phản hồi các cáo buộc, Binance cho biết luôn tuân thủ nghiêm ngặt giao thức KYC (quy trình xác minh danh tính khách hàng) tương tự như mô hình nhà băng truyền thống. "Chính sách của chúng tôi áp dụng cách tiếp cận không khoan nhượng đối với hành vi đăng ký trùng lặp, ẩn danh hay nguồn tiền không rõ ràng", đại diện Binance nhấn mạnh. Từ 2021, công ty đã "đại tu cơ cấu quản trị doanh nghiệp", thay đổi cơ bản cách thức hoạt động trên phạm vi toàn cầu nhằm tránh để lọt các hoạt động bất hợp pháp trên sàn.
Đầu 2023, Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ (CFTC) cáo buộc Binance cùng nhà sáng lập Changpeng Zhao (CZ) không yêu cầu người dùng xác thực danh tính, cung cấp công cụ tiền mã hóa phái sinh chưa đăng ký và thực hiện các biện pháp lách luật tại Mỹ. Trả lời truyền thông khi đó, phát ngôn viên của Binance tỏ ra "bất ngờ và thất vọng"
Không lâu sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Mỹ cùng Liên minh châu Âu đã áp lệnh trừng phạt thương mại đối với Moscow. Ông Mykhailo Federo, Phó thủ tướng Ukraine khi đó, đã yêu cầu các sàn giao dịch tiền mã hóa lớn đóng băng toàn bộ tài khoản của khách hàng Nga, Belarus. Binance cùng một số công ty khác trong ngành từ chối khi cho rằng hành vi cấm người dùng tiếp cận với tiền điện tử "đi ngược với lý do mà đồng tiền này tồn tại".