Một tháng sau khi ban bố lệnh cấm, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã "cởi trói" cho Huawei. Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng, kể cả khi ông chủ Nhà Trắng coi Huawei đáng lo ngại thật hay chỉ là quân bài trong cuộc chiến thương mại, công ty Trung Quốc vẫn thực sự nguy hiểm với chính phủ Mỹ, đặc biệt là ở công nghệ 5G.
"Bất kể Mỹ làm điều gì để gây sự với Huawei, hoặc kể cả không làm gì, Huawei vẫn sẽ tăng cường nghiên cứu 5G. Điều này đe dọa đến sự thống trị của Mỹ đối với tương lai của công nghệ không dây. Mỹ cần một chiến lược có ý nghĩa để dẫn dắt thế giới ở mạng di động thế hệ tiếp theo, nhưng điều đó đang trở nên khó khăn", một chuyên gia nói với NYTimes.
Vào tháng 4, báo cáo viết bởi một nhóm lãnh đạo doanh nghiệp và học giả cố vấn cho Bộ Quốc phòng Mỹ (gồm cựu chủ tịch Google Eric Schmidt, sáng lập LinkedIn Reid Hoffman và CEO Viện Aspen Walter Isaacson) được gửi lên chính phủ, trong đó cảnh báo những tác hại nghiêm trọng về nỗ lực 5G từ bên ngoài, cũng như nguy cơ tụt hậu của nước Mỹ khi chậm chân trong công nghệ này. Tuy vậy, phần lớn nội dung đã bị bỏ qua.
"Những ai làm chủ công nghệ 5G sẽ kiếm được hàng trăm tỷ USD doanh thu trong thập kỷ tới, tạo ra hàng triệu công ăn việc làm. Bên cạnh đó, họ còn có quyền đặt ra các tiêu chuẩn không dây mới cho phần còn lại của thế giới", nội dung báo cáo có đoạn. "Quốc gia có khả năng đó không phải là Mỹ".
Thực tế, không có công ty nào nằm trong top sản xuất hoặc nghiên cứu 5G thời điểm này. Huawei đang đứng đầu thế giới, bỏ xa vị trí thứ hai là Ericsson của Thụy Điển và thứ ba với Nokia của Phần Lan.
Sự trì trệ của Mỹ về 5G được cho là có liên quan đến những quyết định của Lầu Năm góc, khi ưu tiên phổ tần băng thông rộng cần thiết cho quân đội thay vì cho mục đích thương mại. Để hoạt động tốt nhất, 5G cần cái gọi là phổ băng tần thấp (low-band spectrum), cho phép truyền tín hiệu đi xa hơn phổ băng tần cao (high-band spectrum). Tín hiệu truyền càng xa thì càng giảm thiểu chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng.
Ở Trung Quốc và thậm chí ở châu Âu, các chính phủ đã dành phổ tần thấp cho 5G, giúp việc triển khai công nghệ kết nối này dễ dàng, hiệu quả và ít tốn kém. Tuy vậy, ở Mỹ, nó chỉ dành cho quân đội.
Google mới đây đã thử nghiệm đặt máy phát 5G trên 72.735 tháp và mái nhà. Kết quả, nếu sử dụng phổ tần cao, chỉ 11,6% dân số Mỹ truy cập Internet với tốc độ 100 megabit mỗi giây, 3,9% với tốc độ 1 gigabit mỗi giây. Khi các máy phát chuyển qua dải tần số thấp, con số trên lần lượt là 57,4% và 21,2%.
Nói cách khác, phổ tần mà Mỹ cung cấp cho hoạt động thương mại chưa được ưu tiên như quân đội. Điều này khiến các nhà sản xuất thiết bị mạng, nhà mạng trong nước không mặn mà hoặc không dám đầu tư vì chi phí tốn kém và bị giới hạn. Khi Tổng thống Trump ban hành lệnh cấm với Huawei, việc triển khai 5G lại càng thêm khó khăn, đặc biệt ở vùng nông thôn.
Không đi đầu về 5G có thể khiến nước Mỹ lãnh hậu quả. Theo Ủy ban Đổi mới Quốc phòng Mỹ, khi Trung Quốc dẫn đầu về cơ sở hạ tầng và hệ thống 5G, họ có cơ hội tác động đến hệ sinh thái của nó, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh của bất kỳ quốc gia nào dùng sản phẩm của Trung Quốc trong tương lai.
Đã có một số đề xuất cho chính phủ Mỹ, trong đó yêu cầu Bộ Quốc phòng chia sẻ phổ tần thấp để tăng tốc phát triển thương mại và đón đầu công nghệ kết nối mới, hoặc kết hợp để người dân và quân đội cùng sử dụng một dải tần. Điều này mang lại một vài điểm tích cực, như tạo lớp bảo mật ẩn giúp hacker khó phát hiện, hay việc gây nhiễu khó thực hiện hơn.
"Nếu Mỹ muốn dẫn đầu thế giới, Washington cần suy nghĩ kỹ về ưu đãi mà họ cung cấp cho các công ty. Nó không chỉ riêng cho nghiên cứu và phát triển, mà còn những thứ dựa trên lợi ích và thế mạnh quốc gia", một chuyên gia nói.
Một buổi sáng cuối tháng 2, Trump đã viết trên Twitter rằng: "Tôi muốn Mỹ giành chiến thắng thông qua cạnh tranh, chứ không phải tìm cách ngăn chặn những công nghệ hiện đại hơn". Các nhà quan sát cho rằng, đó là mục tiêu nên làm và có thể đạt được, nhưng cần đòi hỏi một chiến lược mới, cần thiết và phù hợp hơn thay vì chỉ dựa vào thỏa thuận thương mại hoặc cho bất kỳ công ty nào đó vào "danh sách đen".
Tuy vậy, có lẽ Mỹ cần đợi đến công nghệ 6G.
Bảo Lâm (theo NYTimes)