Mặc dù hai ngoại trưởng Hillary Clinton và Dương Khiết Trì tỏ dấu hiệu làm mềm hóa mối quan hệ giữa hai cường quốc đang tồn tại nhiều vấn đề, nhưng hiện chưa rõ sau kêu gọi của Mỹ, thì khi nào Trung Quốc sẽ thực sự tham gia xây dựng bộ quy tắc thường được đề cập đến là COC.
Biển Đông là vấn đề nóng trong các hội nghị của ASEAN tại Phnom Penh, trong đó có Diễn đàn an ninh khu vực hôm qua.
"Không một quốc gia nào không cảm thấy lo ngại về tình trạng leo thang căng thẳng, những lời lẽ ngày càng quyết liệt, những bất đồng trong việc khai thác tài nguyên", Clinton nói với các phóng viên.
"Chúng ta đã chứng kiến một số ví dụ về sự chèn ép trong kinh tế, việc sử dụng một cách sai lầm các tàu của chinh phủ trong các vụ việc liên quan đến ngư dân", bà nói thêm.
Clinton trước đó cũng nhấn mạnh rằng các vấn đề ở Biển Đông phải được giải quyết mà không dùng đến ép buộc, hăm dò, đe dọa hay sử dụng vũ lực.
Trong nỗ lực làm mềm hóa mối quan hệ song phương, Ngoại trưởng Mỹ và Trung Quốc cam kết sẽ cùng làm việc chặt chẽ hơn và đối thoại nhiều hơn.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton bắt tay người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì trước cuộc gặp song phương bên lề các hội nghị ASEAN ở Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP |
Sau cuộc gặp bên lề các hội nghị ASEAN ở Phnom Penh, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tìm cách nhấn mạnh những lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm, như giảm nhẹ thảm họa và kiểm soát dịch bệnh. Theo AFP, bà Clinton cho rằng đó là tín hiệu quan trọng cho thấy Mỹ và Trung Quốc không chỉ có thể mà thực sẽ cùng hợp tác tại châu Á.
Đáp lời người đồng cấp, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì nói: "Những mối quan hệ Trung Quốc - Mỹ tiếp tục có tiến triển trong năm nay". Ông Dương cho biết thêm rằng cả hai bên đã đồng ý tăng cường đối thoại.
Cuộc gặp tại Phnom Penh giữa bộ trưởng ngoại giao Mỹ và Trung Quốc diễn ra bất chấp những căng thẳng liên tiếp trong mối quan hệ song phương quan trọng nhất thế giới. Những sóng gió này có liên quan tới tốc độ tăng trưởng kinh tế vũ bão và sự mở rộng quân sự ngày một nhanh chóng của Trung Quốc.
Hồi đầu năm nay, Tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo chiến lược quân sự mới của nước này với việc chuyển dịch trọng tâm sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Động thái này khiến Bắc Kinh quan ngại trong bối cảnh Trung Quốc sẽ có cuộc chuyển giao thế hệ lãnh đạo vào cuối năm nay. Trước đó tại Diễn đàn Khu vực ASEAN ở Hà Nội năm 2010, bà Clinton từng khiến Trung Quốc phải đặc biệt lưu tâm khi cho rằng Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông.
Ngoại trưởng Mỹ cũng kêu gọi những tiến triển trong việc thông qua bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông (COC) vốn bị trì hoãn từ lâu. Việc này là nhằm tránh những sự mơ hồ và thậm chí là đối đầu trong những quyền đánh cá cũng như di chuyển tại Biển Đông, vùng biển có vị trí quan trọng và được đánh giá có trữ lượng tài nguyên lớn.
Biển Đông là nơi Trung Quốc cùng các nước thành viên ASEAN là Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei có tuyên bố chủ quyền chồng lấn. Trung Quốc cho biết sẵn sàng trao đổi về một bộ quy tắc ứng xử để tăng cường sự tin tưởng, nhưng muốn giải quyết các tranh chấp chủ quyền bằng đàm phán song phương với từng nước liên quan. Năm 2002, Trung Quốc và ASEAN cùng đưa ra Tuyên bố về Cách ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC). Từ đó đến nay, Trung Quốc và ASEAN vẫn đang trong quá trình hướng tới việc thông qua COC.
Nhật Nam