"Mỹ quan ngại với thông tin về hoạt động của Nga gần Ukraine. Chúng tôi chưa rõ ý định của họ, nhưng hiểu cách họ hành động. Chúng tôi lo ngại Nga có thể phạm sai lầm nghiêm trọng như năm 2014 khi dồn quân dọc biên giới, sau đó tiến vào lãnh thổ Ukraine với lý do bị gây hấn", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói trong cuộc gặp người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba ở thủ đô Washington hôm qua.
Blinken khẳng định cam kết của Mỹ với chủ quyền và độc lập của Ukraine là không thể thay đổi, trong khi Kubela cho biết Kiev đang tìm cách phối hợp với Washington để củng cố năng lực phòng thủ.
"Chúng tôi không có ý định tấn công ai. Cách tốt nhất để đối phó với hành động của Nga là cho họ thấy chúng tôi vững mạnh và có những đồng minh không bỏ rơi mình", Ngoại trưởng Ukraine nói.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby trước cho biết đợt điều chuyển quân của Nga gần biên giới Ukraine có quy mô bất thường. "Chúng tôi kêu gọi Nga làm rõ ý định và tuân thủ thỏa thuận Minsk", ông nói thêm.
Hình ảnh trên mạng xã hội cuối tháng 10 cho thấy các đoàn tàu và xe vận tải Nga chở lượng lớn khí tài, gồm cả xe tăng và tên lửa, di chuyển ở khu vực miền nam và miền tây Nga.
Ảnh vệ tinh ngày 1/11 cho thấy quân nhân, xe tăng và pháo của Nga tập kết ở ngoại vi thị trấn Yelnya, phía bắc ngã ba biên giới Nga - Ukraine - Belarus. Hai quan chức Mỹ cao cấp cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden lo ngại Nga có thể phát động một cuộc tấn công vào Ukraine đầu năm sau.
Tuy nhiên, nhiều quan chức chính phủ Mỹ lại cho rằng Nga có thể chỉ tổ chức diễn tập quân sự hoặc tập trung lực lượng gần biên giới để gây áp lực lên Ukraine.
Bình luận về các bức ảnh vệ tinh, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói "hoạt động điều chuyển các thiết bị quân sự hoặc đơn vị quân đội trên lãnh thổ Nga là việc riêng của chúng tôi".
Các động thái diễn ra trong bối cảnh Moskva áp dụng chính sách cứng rắn hơn với Kiev. Nhiều quan chức Nga đã đưa ra những cảnh báo với Ukraine trong vài tháng gần đây, trong đó Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố mọi hoạt động mở rộng cơ sở hạ tầng của NATO trên lãnh thổ Ukraine sẽ "vượt lằn ranh đỏ với Nga".
Ukraine, nước không phải thành viên NATO, từ lâu tìm cách tăng cường quan hệ với phương Tây. Quan hệ giữa Ukraine và Nga căng thẳng từ khi Moskva sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 và hỗ trợ lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine. Nga kiên quyết phản đối ý tưởng Ukraine gia nhập NATO.
Vũ Anh (Theo AFP)