"Chúng ta cần sẵn sàng nêu lên tiếng nói rõ ràng, mạnh mẽ và thống nhất, hỗ trợ Philippines và các nước liên quan trong ASEAN, rằng đây là luật pháp quốc tế, đây là điều rất quan trọng, là trách nhiệm ràng buộc của tất cả các bên", Reuters hôm nay dẫn lại lời bà Amy Searight, phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ, nói trong một hội nghị của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS).
Bà Searight đề cập tới việc Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague, Hà Lan, sẽ đưa ra phán quyết trước tháng 5 về vụ kiện của Philippines. Manila đệ đơn kiện lên tòa từ đầu năm 2013, cho rằng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông không phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) và cần được tuyên bố là không có căn cứ. Bắc Kinh đã nhiều lần tuyên bố sẽ không công nhận phán quyết từ tòa.
Theo bà Searight, các nước cần nói rõ với Trung Quốc rằng nếu họ không tuân thủ phán quyết "không có lợi cho Bắc Kinh", thì sẽ phải chịu trách nhiệm về việc đó. Ngoài việc uy tín của Trung Quốc bị ảnh hưởng, Mỹ và đồng minh có thể tính đến "những cách sáng tạo khác" khiến Bắc Kinh phải trả giá.
Ông Klaus Botzet, người phụ trách chính trị của Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Washington, cho rằng khi các nước phương Tây đưa ra quan điểm chung, phản ánh góc nhìn của cộng đồng quốc tế, thì Trung Quốc khó mà phản đối.
Đại diện của Bộ Quốc phòng Mỹ lên tiếng trong bối cảnh Trung Quốc bị cho là đã điều hệ thống tên lửa đất đối không ra quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Ngoại trưởng Australia Julie Bishop hôm 15/2 cho biết nước này công nhận quyền của Philippines khi tìm cách giải quyết tranh chấp thông qua tòa trọng tài quốc tế, đồng thời yêu cầu Trung Quốc làm rõ ý định sử dụng các đảo nhân tạo mà nước này xây trái phép trên Biển Đông.
Khánh Lynh