Thanh Huyền
Đáp lời của Thư ký thường trực Viện Hàn lâm Thụy Điển, chủ tịch Giải sách quốc gia Mỹ cáu: "Bảo ông ta liên lạc với tôi, tôi sẽ gửi cho cả một danh sách".
Tại thời điểm Viện Hàn lâm đang có những cân nhắc cuối cùng về việc lựa chọn Nobel Văn học 2008, Horace Engdahl phát biểu với báo giới rằng, không phải ngẫu nhiên mà phần lớn các nhà văn đoạt giải đều là người châu Âu.
"Tất nhiên, những nền văn hóa lớn đều có nền văn học phát triển. Nhưng bạn không thể phủ nhận một thực tế rằng, châu Âu, chứ không phải Mỹ, mới là trung tâm văn học thế giới", Engdahl nói.
Engdahl cho biết, 16 thành viên của Ủy ban Nobel vẫn chưa chọn được cây bút xứng đáng giành giải thưởng năm nay. Ông cũng không hề hé lộ bất cứ điều gì về những tác giả lọt vào chung khảo. Các nhà văn Mỹ thường được đề cử như Philip Roth và Joyce Carol Oates đều đã được nhắc đến, nhưng Engdahl không đưa ra bất cứ bình luận nào về những tên tuổi cụ thể.
Nhận xét của Engdahl làm giới nhà văn Mỹ nổi cáu. Ảnh: AP. |
Nhận xét chung về nền văn học Mỹ, Horace Engdahl cho rằng, các nhà văn Mỹ "quá chịu ảnh hưởng của các trào lưu văn hóa đại chúng diễn ra trên đất nước họ nên tác phẩm thường thiếu đi chiều sâu".
"Văn học Mỹ quá biệt lập và thiển cận. Họ không dịch đủ văn học nước ngoài và không thực sự tham gia vào cuộc đối thoại lớn của văn học thế giới. Sự thờ ơ đã tạo thành rào cản...", Engdahl nói.
Phát biểu của Engdahl đã bị giới văn chương Mỹ phản ứng dữ dội.
"Bạn có nghĩ ngài thư ký thường trực của một cái viện luôn tỏ vẻ thông thái nhưng lại đã bỏ qua những Marcel Proust, James Joyce và Vladimir Nabokov để tôn vinh mấy cái tên chả mấy chất Nobel lại có thời gian rỗi để dành cho chúng tôi một bài quở mắng thẳng thừng như thế", David Remnick, biên tập viên tạp chí The New Yorker nói.
"Nếu ông ta chịu khó quan tâm đến cái nền văn học mà ông ta day di day lại, ông ta sẽ nhận thấy sức sống của nó qua một thế hệ những nhà văn như Philip Roth, John Updike và Don DeLillo cũng như nhiều nhà văn trẻ khác... Một vài trong số họ là con cái của những người dân nhập cư viết bằng thứ tiếng Anh không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ. Không ai trong số mang tâm hồn nghèo nàn hoặc bị tàn phá bởi sự kinh hoàng của văn hóa Coca-Cola", Remnick nói thêm.
Còn Harold Augenbraum, chủ tịch giải thưởng National Book, Mỹ lại muốn gửi cả một danh sách những cây bút Mỹ xuất sắc để Engdahl tham khảo.
"Những nhận xét đó chứng tỏ ông Engdahl đọc rất ít về văn học Mỹ ngoài dòng chính thống và có quan điểm rất hạn hẹp về những yếu tố làm nên giá trị văn chương trong thời đại này. Một trong những điều khiến Mỹ trở thành nơi hội tụ văn hóa thế giới là thông qua con đường nhập cư. Bắt đầu từ thế kỷ 19, mỗi thế hệ lại góp phần tái sinh hệ tư tưởng văn học Mỹ", Augenbraum nói.
Nhà văn Mỹ đoạt giải Nobel gần đây nhất là Toni Morrison (năm 1993). Những cây bút xứ cờ hoa khác từng được Viện Hàn lâm Thụy Điển vinh danh gồm có Saul Bellow, John Steinbeck và Ernest Hemingway.
Là thư ký thường trực, Engdahl là thành viên hội đồng Nobel và là người phát ngôn của cái hội đồng luôn úp úp mở mở về quy trình bình chọn giải thưởng. Ủy ban Nobel hầu như không đếm xỉa đến những nhà văn ăn khách mà thường quan tâm đến những cây bút ít nổi tiếng hơn. Ủy ban Nobel thường bị chỉ trích là trưởng giả học làm sang, bợ đỡ chính trị và có thị hiếu thẩm mỹ nghèo nàn.
Kể từ sau khi nhà văn Nhật Kenzaburo Oe đoạt giải vào năm 1994, gần như 9 năm liên tục sau đó, Viện hàn lâm Thụy Điển tôn vinh các nhà văn châu Âu, mới đây nhất là tác giả người Anh Doris Lessing. 4 cây bút còn lại, đến từ Trung Quốc ( Cao Hành Kiện - 2000), Trinidad & Tobago ( V.S.Naipaul - 2001), Nam Phi ( J. M. Coetzee - 2003), Thổ Nhĩ Kỳ ( Orhan Pamuk – 2006) đều là những tên tuổi "thân châu Âu".
Engdahl còn ngợi ca, châu Âu là mảnh đất của những nhà văn lưu vong bởi đây là nơi ẩn náu an toàn và đặc biệt "tôn trọng tự do sáng tạo".
"Rất nhiều nhà văn đến từ các quốc gia khác nhau nhưng lại sống là sáng tác ở châu Âu. Bởi chỉ có ở đây, họ mới tìm thấy sự bình yên để viết mà không bị cái chết đe dọa. Làm nhà văn ở châu Á và châu Phi quả là điều nguy hiểm", ông nói.
Mùa Nobel 2008 sẽ bắt đầu vào tuần tới với giải Nobel Y học được công bố vào 6/10. Tiếp đó là Vật lý, Hóa học, Hòa bình và Kinh tế. Thời điểm có giải Nobel Văn chương như thường lệ, sẽ chỉ được biết 2 ngày trước khi giải chính thức được công bố.
(Nguồn: AP)