Đại sứ Mỹ John Negroponte (trái) và người đồng nhiệm Pháp Jean-Marc de La Sabliere tại Liên Hợp Quốc. |
Văn bản lần này vẫn giữ nguyên nội dung cũ về vai trò của Liên Hợp Quốc. Đó là Liên Hợp Quốc "nên tăng cường vai trò quan trọng ở Iraq". Uỷ ban Điều hành Iraq sẽ hợp tác với đại diện đặc biệt của Liên Hợp Quốc cũng như của lực lượng chiếm đóng do Mỹ đứng đầu trong quá trình lên kế hoạch trước hạn chót 15/12. Văn bản cũng khẳng định Uỷ ban Điều hành và các bộ trưởng do Mỹ chỉ định là "những nhân tố cơ bản của chính phủ lâm thời Iraq, hiện thân của chủ quyền quốc gia Iraq trong thời kỳ chuyển tiếp".
Cũng như những văn bản trước, dự thảo lần này kêu gọi thành lập một lực lượng đa quốc gia giúp duy trì an ninh ở Iraq. Tuy nhiên, điểm khác biệt là Hội đồng Bảo an sẽ xem xét nhiệm vụ của đội quân này không muộn hơn một năm sau khi nghị quyết được thông qua.
Theo kết quả thăm dò dư luận của VnExpress đến 14/10, đa số (83,9%) độc giả cho rằng Mỹ sẽ không sớm trao quyền cho người Iraq. Chỉ có 7,4% dự đoán việc này sẽ được thực thi trong 3 tháng - như yêu cầu của Pháp. Một tỷ lệ tương tự, 8,7%, cho rằng người Iraq sẽ có chủ quyền sau 6 tháng, thời gian mà Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell dự kiến cần để lập hiến pháp mới. |
Dự thảo xáo trộn nhiều đoạn, có xét đến chủ quyền của Iraq và người Iraq có quyền quyết định tương lai chính trị. Văn bản nhấn mạnh cuộc chiếm đóng do Mỹ đứng đầu chỉ là tạm thời.
Theo một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Colin Powell đã dành dịp cuối tuần điện đàm với Tổng thư ký Annan và 8 uỷ viên Hội động Bảo an. Phản ứng của các bên là tích cực.
Ngoại trưởng Đức Joschka Fischer gọi dự thảo mới là "một bước đi đúng hướng". Trong khi đó, Ngoại trưởng Pháp Dominique de Villepin cho rằng cần phải nghiên cứu thêm các thay đổi, vì cần phải có lịch trình cụ thể trong thời gian biểu. Người phát ngôn của phái đoàn ngoại giao Nga Sergey Trepelkov khẳng định, Matxcơva vẫn muốn một số thay đổi nữa, trong đó có một thời gian biểu chính xác và một vai trò "quan trọng, trung tâm" cho Liên Hợp Quốc. "Chừng nào văn bản còn chưa đưa vào thêm một số hiệu chỉnh, trong đó có các đề xuất của Nga, thì các nước rất khó đạt đồng thuận về vấn đề này", ông Trepelkov nói. Bên cạnh đó, mọi chuyện còn tuỳ thuộc vào Tổng thư ký Kofi Annan. Ông không muốn đưa nhân viên Liên Hợp Quốc trở lại Baghdad trong khi tình hình an ninh không ổn định và tổ chức quốc tế vẫn đóng vai trò thứ yếu đối với Nhà chức trách lâm thời liên quân.
Một nhà ngoại giao cho biết dự thảo sẽ chính thức được đệ trình tối 13/10 hoặc ngày 14/10. Mỹ, Anh và Tây Ban Nha muốn nghị quyết được thông qua trước khi hội nghị các nhà tài trợ khai mạc ở Madrid vào ngày 23/10. Nghị quyết có thể giành được 9 phiếu tối thiểu để được chấp nhận, nhưng Washington không muốn các cường quốc chia rẽ vì như vậy sẽ hạn chế ảnh hưởng của văn bản.
Cũng hôm qua, Tổng thống Bush từ chối đưa ra thời gian biểu cho việc lính Mỹ chiếm đóng tại Iraq. "Chúng ta rút khỏi đất nước vùng Vịnh khi có một đất nước Iraq tự do và hoà bình, dựa trên cơ sở hiến pháp và bầu cử. Rõ ràng chúng ta muốn điều đó xảy ra càng sớm càng tốt", ông Bush phát biểu. "Tuy nhiên, đẩy nhanh tiến trình sẽ tạo điều kiện cho thất bại".
Nguyễn Hạnh (theo AP, Reuters)