![tq-3268-1402102411.jpg](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2014/06/07/tq-3268-1402102411.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Lo4AYd8Al6Yt8MxtwNXN7A)
Ảnh chụp từ máy bay trinh sát Philippines cho thấy Trung Quốc mở rộng đất đai trái phép trên bãi đá Gạc Ma (Johnson Reef), thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: AP
Bà Marie Harf, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, ngày 5/6 cho biết yêu cầu của tòa án là cơ hội tốt để Trung Quốc làm rõ cơ sở pháp lý của "bản chất mơ hồ trong yêu sách hàng hải" nước này đưa ra ở Biển Đông, và tuân theo luật quốc tế.
Theo bà Harf, Mỹ đã biết các thông tin về việc Trung Quốc mở rộng hoạt động ở Biển Đông, đặc biệt là ở quần đảo Trường Sa. Mỹ hối thúc tất cả các bên hoàn tất bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông càng sớm càng tốt. Philstar cho biết nữ phát ngôn viên cũng kêu gọi các bên kiềm chế, tránh các hành động làm phức tạp hoặc gia tăng tranh chấp.
Tòa án trọng tài quốc tế ở The Hague, Hà Lan tuần này lấy ngày 15/12 là hạn chót để Trung Quốc nộp bản phản biện, đáp lại đơn kiện của Philippines. Tuy nhiên, Bắc Kinh ngay lập tức tuyên bố giữ nguyên lập trường, không chấp nhận và không tham gia vào vụ kiện của Philippines.
Văn bản mà Philippines gửi lên tòa dài gần 4.000 trang, bao gồm các phân tích và bằng chứng, được nộp theo đường điện tử hồi tháng ba. Đây là bước đi tiếp theo sau khi Manila đệ đơn kiện lên tòa vào đầu năm ngoái. Theo đó, nước này đề nghị tòa tuyên bố yêu sách của Trung Quốc đòi chủ quyền với 80% diện tích Biển Đông, trong đó có cả những vùng thuộc đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines, là bất hợp pháp.
Nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Philippines, Việt Nam và Malaysia, tuyên bố chủ quyền với một số khu vực ở Biển Đông, nơi Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền với hầu hết vùng biển, kể cả những vùng gần nước láng giềng hơn.
Trọng Giáp