"Chúng tôi hy vọng, nhưng dựa trên những kinh nghiệm trong quá khứ, chúng tôi cũng hoài nghi về việc liệu phe ly khai có thực sự tuân thủ, và liệu Nga sẽ chấm dứt xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Ukraine hay không", USA Today dẫn lời ông Obama hôm qua nói tại Wales, Anh. "Điều đó cần được kiểm tra".
Để duy trì áp lực của phương Tây, ông Obama cho biết Mỹ và châu Âu đang hoàn tất các biện pháp "nhằm mở rộng và tăng cường trừng phạt đối với các ngành ngân hàng, năng lượng và quốc phòng Nga". Những lệnh trừng phạt mới này có thể được dỡ bỏ nếu lệnh ngừng bắn và một thỏa thuận hòa bình thực sự có tác dụng chấm dứt chiến sự giữa quân đội Ukraine và phe ly khai thân Nga.
Tổng thống Mỹ cũng khen ngợi sự cứng rắn của liên minh phương Tây khi đối đầu với Nga, trong đó có việc thành lập lực lượng phản ứng nhanh để bảo vệ các nước thành viên NATO ở Đông Âu. Ông cho rằng nó thể hiện nguyên tắc "các nước lớn không thể dậm chân lên các nước nhỏ".
Trong khi đó, Nga hôm qua cũng hoan nghênh việc ký kết thỏa thuận ngừng bắn. "Moscow hy vọng tất cả các điều kiện trong văn bản và các thỏa thuận đạt được sẽ được các bên tuân thủ triệt để, và quá trình đàm phán sẽ tiếp tục cho tới khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine được giải quyết đầy đủ", ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên của Tổng thống Nga Vladimir Putin, nói.
Ông Peskov cũng nhấn mạnh thỏa thuận là kết quả của sáng kiến do ông Putin và người đồng cấp Ukraine Petro Poroshenko đề xuất. Moscow bác bỏ việc tham chiến ở Ukraine, nhưng Kiev và NATO cho rằng quân thường trực cũng như xe tăng Nga đang chiến đấu cùng lực lượng ly khai ở đông Ukraine.
Thỏa thuận ngừng bắn có điều kiện hôm qua được ký kết tại Minsk, Belarus và có hiệu lực từ 18h. Sự kiện có sự tham gia của Ukraine, Nga, phe ly khai thân Nga và Tổ chức Hợp tác và An ninh châu Âu (OSCE).
Trọng Giáp