"Sự hồi phục của Trung Quốc rất mất cân đối" kể từ khi đại dịch xuất hiện, Bộ Tài chính Mỹ cho biết trong báo cáo bán thường niên về tỷ giá công bố hôm 16/4, "Chính sách phong tỏa ngặt nghèo giúp Trung Quốc nhanh chóng khôi phục sản xuất, trong khi tiêu dùng vẫn tăng trưởng chậm".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn luôn ca ngợi mô hình phát triển mà nước này gọi là "lưu thông kép". Theo đó, kinh tế nội địa là động lực tăng trưởng chủ đạo. Tuy nhiên, Bộ Tài chính Mỹ cho rằng "Trung Quốc vẫn đang tập trung vào các chính sách hỗ trợ nhu cầu bên ngoài", góp phần khiến thặng dư tài khoản vãng lai của nước này nới rộng năm ngoái. Một nguyên nhân khác là tác động tạm thời từ Covid-19, như nhu cầu sản phẩm y tế của thế giới tăng lên.
"Nhu cầu tư nhân ảm đạm – do thị trường lao động trong nước yếu đi – làm dấy lên lo ngại tăng trưởng của Trung Quốc không thể bền vững nếu không có thêm hỗ trợ cho tiêu dùng hộ gia đình", Bộ Tài chính Mỹ cho biết, "Trung Quốc nên có bước đi cương quyết để mở cửa thị trường nhiều hơn, như áp dụng cải tổ cấu trúc để giảm sự can thiệp của chính phủ, tăng phúc lợi xã hội và tăng chi cho y tế, trợ cấp thất nghiệp, đồng thời cho phép thị trường đóng vai trò lớn hơn".
Bộ Tài chính Mỹ cũng đánh giá phản ứng chính sách tài khóa của Trung Quốc trước đại dịch là "hạn chế so với nhiều nước G20". Theo đó, sự tập trung ban đầu dồn vào chi cho y tế, sau đó mới tăng dần chi cho cơ sở hạ tầng công.
Trong báo cáo, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen chưa gắn mác Trung Quốc thao túng tiền tệ, dù chính quyền Tổng thống Biden luôn thúc giục nước này minh bạch hoạt động quản lý nhân dân tệ. Bộ Tài chính Mỹ cũng nhấn mạnh sự thiếu minh bạch trong các giao dịch ngoại hối lớn của ngân hàng quốc doanh Trung Quốc.
Dự trữ ngoại hối chính thức của Trung Quốc tăng thêm 109 tỷ USD năm ngoái – thấp hơn so với gần 180 tỷ USD mua vào, theo một số liệu độc lập khác. "Sự chênh lệch giữa hai số liệu này đã nới rộng trong nửa cuối năm 2020, lên cao nhất kể từ năm 2015", Bộ Tài chính Mỹ cho biết. Vì vậy, Mỹ vẫn giữ Trung Quốc trong danh sách theo dõi về quản lý tỷ giá.
Hà Thu (theo Bloomberg)