Dự luật gia hạn Đạo luật Giám sát tình báo nước ngoài (FISA) thêm hai năm được Thượng viện Mỹ bỏ phiếu phê chuẩn ngày 20/4 với tỷ lệ ủng hộ 64-30, chỉ ít lâu sau khi qua thời hạn chót lúc nửa đêm.
Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ nhanh chóng ký thành luật. Đạo luật trước đó bị phe Cộng hòa chặn ba lần ở Hạ viện trong vòng 5 tháng trước khi được thông qua với tỷ lệ ủng hộ 273-147 vào tuần trước, song thời hạn bị rút ngắn từ 5 năm xuống còn hai năm.
Được Mỹ ban hành sau vụ khủng bố 11/09/2001, FISA cho phép các cơ quan tình báo nước này có thể thực hiện hoạt động giám sát điện tử mà không cần xin lệnh của tòa án.
Cụ thể, các lực lượng này được phép thu thập thông tin liên lạc, bao gồm cuộc gọi điện thoại và email, của những cá nhân không phải công dân Mỹ ở nước ngoài, nếu họ bị nghi có thể đe dọa an ninh quốc gia. Thông tin liên lạc giữa công dân Mỹ và người nước ngoài cũng nằm trong diện bị theo dõi theo đạo luật.
Đạo luật sẽ giúp "các chuyên gia an ninh Mỹ có thể tiếp tục phát hiện những mối đe dọa an ninh nghiêm trọng và sử dụng các thông tin đó để bảo vệ đất nước", Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết.
Trong khi đó, đạo luật bị những người ủng hộ quyền riêng tư và tự do dân sự lên án. Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước cũng kêu gọi các nhà lập pháp không thông qua việc gia hạn FISA.
"Nó được sử dụng để chống lại tôi và những người khác một cách bất hợp pháp. Họ theo dõi chiến dịch tranh cử của tôi", ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social hồi đầu tháng, song không đưa ra bằng chứng.
Nghị sĩ Cộng hòa Marjorie Taylor Greene, đồng minh của ông Trump, và phe cực hữu tại Hạ viện Mỹ cũng phản đối việc gia hạn FISA, cho rằng đạo luật này vi hiến và cần cải cách. Trong khi đó, những người ủng hộ FISA cáo buộc nữ nghị sĩ không hiểu cơ chế hoạt động của nó và nhấn mạnh việc bổ sung quy định sẽ cản trở nỗ lực đối phó các âm mưu khủng bố.
Phạm Giang (Theo AFP)