Các nguồn thạo tin cho biết Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ cùng quan chức phụ trách đối ngoại của Liên minh châu Âu Josep Borrell thảo luận về Trung Quốc vào 24/3 tại Brussels.
Quan chức Mỹ và EU hiện chưa bình luận về thông tin.
Lựa chọn đổi mới đối thoại Mỹ - EU, có thể tập trung vào vấn đề nhân quyền và an ninh, được thực hiện hai tháng sau lễ nhậm chức của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden. Hai bên trước đó cũng làm việc với Anh và Canada để áp các biện pháp trừng phạt quan chức Trung Quốc về vấn đề Tân Cương.
Ngoài áp các lệnh trừng phạt về vấn đề người Duy Ngô Nhĩ, Mỹ cũng đưa ra các biện pháp chống lại quan chức đại lục và Hong Kong vì cáo buộc làm suy yếu quyền tự trị của đặc khu.
Maaike Okano-Heijmans, chuyên gia về quan hệ EU - châu Á tại Viện Clingendael, cho biết giới chức châu Âu tuần trước đã tranh luận về khả năng hợp tác với Mỹ, khi lưỡng đảng nước này đã đạt đồng thuận về quan điểm "diều hầu" trong đối phó với Trung Quốc.
"Cách tiếp cận của Biden khác vì thiên về chủ nghĩa đa phương. Đó là điều tích cực. Tuy nhiên, cuộc gặp ở Alaska đã cho thấy giọng điệu của Mỹ có thể gay gắt hơn dự tính. Tôi tự hỏi liệu điều này có khiến châu Âu thêm lo ngại hay không", Okano-Heijmans nhận xét.
EU đã kêu gọi Mỹ bắt tay với các đồng minh để đối phó với Trung Quốc dưới thời chính quyền cựu tổng thống Trump. Tuy nhiên, khối này cũng cố gắng tránh bị coi là một phần trong "liên minh chống Trung Quốc". Bắc Kinh đã đáp trả EU bằng các lệnh trừng phạt nhằm vào các tổ chức, quan chức, nhà tư vấn và giáo viên.
Eric Sayers thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ, một tổ chức tư vấn, nhận định Tổng thống Biden đang đối mặt với vấn đề "kinh điển" trong cách đối phó với Trung Quốc trước các đồng minh, đó là "không quá lạnh cũng không quá nóng".
"Người châu Âu đã nói rằng họ muốn làm nhiều hơn nữa, nhưng điều đó có nghĩa là họ sẽ buộc phải công khai bắt tay với Mỹ", Sayers nói.
Với quan hệ căng thẳng Mỹ - Trung dưới thời Donald Trmp, một số nước châu Âu đã áp biện pháp mạnh tay lên Bắc Kinh như hạn chế Huawei gia nhập thị trường hay cảnh giác hơn trước hoạt động gián điệp của Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực thương mại, ngay cả các nước EU cũng có quan điểm khác nhau, khiến việc đối phó Trung Quốc trở nên khó khăn hơn. Hungary đang mong muốn củng cố mối quan hệ với Bắc Kinh, trong khi Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, lo lắng hoạt động xuất khẩu ô tô sang Trung Quốc, thị trường lớn nhất thế giới, bị ảnh hưởng.
Ngọc Ánh (Theo Financial Times)