Báo cáo được Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc, cơ quan tình báo hàng đầu nước này, trình bày hồi đầu tháng trước cho các lãnh đạo ở Bắc Kinh, bao gồm Chủ tịch Tập Cận Bình. Bắc Kinh đang đối mặt với làn sóng phản đối toàn cầu do Mỹ dẫn dắt ở mức cao nhất kể từ sự kiện Thiên An Môn năm 1989 và cần chuẩn bị cho tình huống xấu nhất khi hai cường quốc thế giới đối đầu vũ trang, Reuters dẫn nguồn thạo tin về báo cáo tiết lộ.
Báo cáo được Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc (CICIR) xây dựng. Đây là một trong những viện nghiên cứu dân sự lớn, lâu đời và có sức ảnh hưởng nhất trong các cơ quan nghiên cứu quốc tế ở Trung Quốc và có liên kết với Bộ An ninh Nhà nước.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết không có thông tin liên quan tới báo cáo trong khi Bộ An ninh Nhà nước không lên tiếng. CICIR, cơ quan cố vấn cho chính phủ về an ninh và đối ngoại, cũng từ chối bình luận về thông tin trên.
Hiện chưa thể đánh giá báo cáo có phản ảnh quan điểm của giới lãnh đạo nhà nước và mức độ ảnh hưởng của nó đến chính sách của Trung Quốc. Tuy nhiên, việc trình bày báo cáo cho thấy Bắc Kinh rất nghiêm túc với phản ứng tiêu cực toàn cầu, điều có thể đe dọa tới chiến lược đầu tư nước ngoài và vị thế an ninh của họ.
Quan hệ Mỹ - Trung được cho là đang ở giai đoạn tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, với sự hoài nghi và mâu thuẫn sâu sắc từ những cáo buộc của Washington về thương mại và công nghệ cho tới vấn đề Hong Kong, Đài Loan và Biển Đông.
Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi đối mặt với chiến dịch tái tranh cử khó khăn hơn vì Covid-19 đã đẩy mạnh chỉ trích Trung Quốc cũng như đe dọa áp thuế mới. Chính quyền của ông cũng đang cân nhắc biện pháp chống lại Bắc Kinh do sự bùng phát của đại dịch.
Báo cáo kết luận rằng Mỹ coi sự trỗi dậy của Trung Quốc như một mối đe dọa kinh tế, an ninh quốc gia và là một thách thức đối với các nền dân chủ phương Tây. Báo cáo cũng cho biết Washington có ý định hạ bệ chính quyền Bắc Kinh bằng cách làm suy yếu niềm tin của công chúng.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus khẳng định Trung Quốc có "trách nhiệm đặc biệt" để thông báo cho người dân và thế giới về sự nghiêm trọng của Covid-19 vì họ là những người biết về nó đầu tiên.
Tuy nhiên, "Bắc Kinh chỉ cố gắng khiến các nhà khoa học, nhà báo và công dân im lặng cũng như lan truyền thông tin sai lệch làm trầm trọng thêm những nguy cơ của cuộc khủng hoảng sức khỏe này", Ortagus nói.
Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ từ chối bình luận về điều này.
Báo cáo cũng cho rằng xu hướng chống Trung Quốc do Covid-19 có thể gây trở ngại cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Washington từ đó có thể tăng cường hỗ trợ tài chính và quân sự cho các đồng minh khu vực, khiến tình hình an ninh ở châu Á trở nên bất ổn hơn.
Ba thập kỷ trước, sau sự kiện Thiên An Môn, Mỹ và nhiều chính phủ phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc bao gồm cấm hoặc hạn chế bán vũ khí và chuyển giao công nghệ. Sự kiện Thiên An Môn diễn ra vào 4/6/1989, khi quân đội Trung Quốc được huy động để chấm dứt các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ do sinh viên khởi xướng.
Trung Quốc ngày nay đã hùng mạnh hơn rất nhiều. Ông Tập đã cải tổ chiến lược quân sự của Trung Quốc để thành lập lực lượng chiến đấu với mong muốn có thể chiến thắng trong các cuộc chiến hiện đại. Ông cũng củng cố lực không quân và hải quân của Trung Quốc trước thách thức quân đội Mỹ chiếm ưu thế quân sự hơn 70 năm tại châu Á.
Nhiều người nhận định báo cáo này được một số người trong cộng đồng tình báo coi là "Novikov Telegram" phiên bản Trung Quốc, bức điện tín năm 1946 của Đại sứ Liên Xô tại Washington Nikolai Novikov nhấn mạnh sự nguy hiểm của kinh tế Mỹ và tham vọng quân sự sau Thế chiến II. "Novikov Telegram" là phản ứng với "Long Telegram" của nhà ngoại giao Mỹ George Kennan từ Moskva, cho rằng Liên Xô không nhìn thấy khả năng chung sống hòa bình với phương Tây và chính sách ngăn chặn sẽ là chiến lược dài hạn tốt nhất. Hai bức điện được xem là một trong những tài liệu quan trọng nhất dẫn tới Chiến tranh Lạnh.
Trung Quốc bị Mỹ cáo buộc ngăn chặn thông tin ban đầu về nCoV, lần đầu tiên được phát hiện tại thành phố Vũ Hán, cũng như hạ thấp nguy cơ về virus. Bắc Kinh đã nhiều lần bác cáo buộc giấu dịch.
Trung Quốc đã tìm cách ngăn chặn Covid-19 lây lan trong nước và đang cố gắng khẳng định vai trò hàng đầu trong cuộc chiến toàn cầu chống lại đại dịch. Bắc Kinh liên tục thúc đẩy tuyên truyền về hỗ trợ, bán vật tư y tế cũng như chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn cho Mỹ và các quốc gia khác.
Tuy nhiên, nền kinh tế thứ hai thế giới đang đối mặt với phản ứng dữ dội ngày càng tăng từ các nhà phê bình, kêu gọi Trung Quốc chịu trách nhiệm về đại dịch.
Trump đã cắt tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) với cáo buộc "thiên vị Trung Quốc", trong khi chính phủ Australia kêu gọi điều tra về nguồn gốc và sự lây lan của nCoV.
Tháng trước, Pháp đã triệu đại sứ Trung Quốc để phản đối một bài đăng trên trang web của Đại sứ quán Trung Quốc chỉ trích cách xử lý Covid-19 của phương Tây. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng từng hoài nghi về những "vùng xám" tại Trung Quốc, cảnh báo còn nhiều điều thế giới chưa biết.
Covid-19 đã xuất hiện tại hơn 210 quốc gia và vùng lãnh thổ sau khi khởi phát từ Vũ Hán, Trung Quốc, hồi tháng 12/2019. Toàn cầu ghi nhận hơn 3,6 triệu người nhiễm, hơn 250.000 người tử vong và gần 1,2 triệu người hồi phục.
Ngọc Ánh (Theo Reuters)