
Một chiếc P-8A Poseidon (trái) bay cạnh chiếc Lockheed P-3 Orion gần một căn cứ không quân Mỹ ở bang Maryland năm 2010. Ảnh minh họa: Wikipedia
Theo Japan Daily, chiếc P-8 đầu tiên hạ cánh xuống căn cứ không quân Kadena ở Okinawa hôm qua. 5 chiếc còn lại dự kiến được đến Nhật Bản vào cuối tháng này.
Việc triển khai các máy bay săn tàu ngầm đã được lên kế hoạch từ trước. Các phi cơ mới sẽ thực hiện nhiệm vụ đầu tiên tại vùng biển phía tây quần đảo chính của Nhật Bản.
P-8 Poseidon, được Boeing phát triển dựa trên máy bay chở khách 737, nhằm thay thế phi cơ tuần tra P-3 Orion của hãng Lockheed Martin có tuổi đời đã 50 năm. Được trang bị hệ thống radar, ngư lôi và các tên lửa chống tàu tân tiến nhất, P-8 có thể bay xa hơn và thực hiện nhiệm vụ lâu hơn P-3.
Việc triển khai P-8 diễn ra chỉ một ngày trước khi phó tổng thống Mỹ Joe Biden đến ba nước châu Á gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Ông Biden dự kiến sẽ thảo luận với giới chức các nước về nhiều vấn đề, trong đó có Vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) gây tranh cãi.
Trung Quốc tuyên bố thành lập ADIZ hôm 23/11, với phạm vi bao trùm biển Hoa Đông, trong đó có cả quần đảo tranh chấp với Nhật Bản Senkaku/Điếu Ngư. Theo yêu cầu của Trung Quốc, các máy bay đi vào khu vực này phải khai báo các thông tin liên quan, nếu không sẽ đối mặt với những biện pháp phòng thủ quyết liệt.
Quyết định này lập tức vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Tokyo và Washington. Chính quyền Barack Obama tuyên bố bảo vệ quần đảo như một phần trong hiệp ước an ninh song phương với quốc gia đồng minh.
Hôm 25/11, Mỹ cũng điều hai máy bay ném bom B-52 đến khu vực tranh chấp trên biển Hoa Đông và phớt lờ yêu sách của Bắc Kinh. Dù giới chức Mỹ cho hay đây là một cuộc diễn tập đã được lên kế hoạch, sự xuất hiện của các oanh tạc cơ vẫn là một lời cánh báo cứng rắn đến Trung Quốc, đồng thời thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ với Nhật Bản.
Anh Ngọc