"Chiến tranh luôn đáng sợ nhưng sẽ càng đáng sợ hơn khi phe của bạn chưa chuẩn bị đầy đủ", Seth G. Jones, phó chủ tịch kiêm giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) ở Mỹ, viết.
Sau hơn một năm xung đột Ukraine, viện trợ quân sự của Washington cho Kiev đạt 32 tỷ USD. Nhiều hệ thống vũ khí và đạn được gửi tới Ukraine, khiến kho dự trữ của Mỹ ngày càng cạn kiệt. Mỹ đã cung cấp cho Ukraine hơn 8.500 tên lửa chống tăng Javelin, 1.600 tên lửa Stinger, 38 hệ thống HIMARS trong giai đoạn tháng 2/2022 - 3/2023.
Sự hỗ trợ này rất quan trọng với Ukraine trong cuộc chiến với Nga, song chi phí mà Mỹ bỏ ra là rất lớn. Tốc độ quân đội Ukraine sử dụng đạn dược và vũ khí đã gây căng thẳng cho ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ.
"Các gói viện trợ này là quyết định đúng đắn khi chúng giúp ngăn bước tiến của Nga. Nhưng đây cũng là những hệ thống mà Mỹ có thể sử dụng để huấn luyện binh sĩ hoặc dự trữ cho xung đột tương lai", ông Jones nói.
Số lượng tên lửa Javelin được chuyển giao cho Ukraine trong 6 tháng đầu xung đột bằng số lượng Mỹ sản xuất trong 7 năm. Điều này đã làm căng thẳng dây chuyền sản xuất Javelin, vốn cần nguồn tài trợ ngân sách bổ sung từ Bộ Quốc phòng.
Ngay cả khi tăng tốc độ sản xuất, Mỹ có thể mất vài năm để bù đắp số tên lửa Javelin, Stinger và các loại vũ khí khác đã chuyển sang Ukraine.
Ngoài ra, tốc độ xuất khẩu một số loại vũ khí như Javelin, Stinger, HIMARS, hệ thống Rocket Phóng loạt Dẫn đường (GMLRS) hay tên lửa chống hạm Harpoon đồng nghĩa Mỹ có nguy cơ không còn đủ kho đạn dược để đáp ứng nếu xảy ra xung đột trong tương lai.
"Xung đột ở Ukraine đã chứng minh rằng cuộc chiến tiêu hao thực chất sẽ là xung đột của các nền công nghiệp", Jones nhận xét.
Nỗ lực triển khai, trang bị và tiếp tế cho các lực lượng là nhiệm vụ đòi hỏi phải có một cơ sở công nghiệp quy mô lớn. Trong một số ngày, quân đội Nga đã phóng 50.000 quả đạn pháo vào các vị trí của Ukraine. Lượng đạn pháo 155 mm Ukraine bắn trong 5 ngày bằng số lượng đạn Mỹ sản xuất trong một tháng. Trong khi đó, tiêm kích, xe tăng chiến đấu chủ lực, pháo và máy bay không người lái liên tục bị phá hủy hoặc hỏng hóc, đòi hỏi thay thế hoặc sửa chữa.
Giới quan sát cho rằng trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế hiện nay, Mỹ cần một chiến lược quốc gia để củng cố cơ sở công nghiệp quốc phòng và tăng năng lực quân sự.
"Không có giải pháp nhanh chóng nào để tăng cường năng lực sản xuất tên lửa nhằm đáp ứng yêu cầu, nhưng đó là lý do Mỹ phải bắt đầu ngay bây giờ", Jones nói thêm.
Chuyên gia của CSIS cho rằng bước đầu tiên là Mỹ phải khuyến khích các công ty quốc phòng tăng sản xuất. Tuy nhiên, trở ngại là các công ty này thường không sẵn sàng tăng mạnh sản lượng và chấp nhận rủi ro tài chính mà không có hợp đồng dài hạn với chính phủ.
Dù Bộ Quốc phòng Mỹ thường ký hợp đồng nhiều năm cho tàu và máy bay, họ không ký hợp đồng dài hạn với nhiều loại đạn dược. Ngoài ra, Mỹ thường xuyên cắt giảm ngân sách đạn dược vào cuối mỗi năm tài khóa để nhường chỗ cho các ưu tiên khác hoặc để khắc phục các vấn đề phát sinh trong quá trình mua sắm các loại vũ khí lớn.
Những hạn chế về lực lượng lao động và chuỗi cung ứng cũng là trở ngại. Trong một số trường hợp, một số thiết bị quan trọng chỉ do một công ty sản xuất. Động cơ của tên lửa Javelin hiện được sản xuất độc quyền bởi công ty Aerojet Rocketdyne, trong khi Williams International là công ty duy nhất chế tạo động cơ phản lực cánh quạt cho hầu hết tên lửa hành trình.
Mỹ còn đối mặt với tình trạng thiếu hụt một số kim loại đất hiếm, mà Trung Quốc gần như là nhà cung cấp độc quyền, vốn rất quan trọng trong sản xuất các loại tên lửa và đạn dược khác. Ngoài ra, thời gian sản xuất là một trở ngại đáng kể. Nhiều loại tên lửa có thể mất khoảng hai năm để sản xuất.
"Lầu Năm Góc cần phân tích nhu cầu dựa trên các kịch bản chiến tranh, sau đó họ có thể cung cấp các định hướng và nguồn lực để các nhà sản xuất quốc phòng lấp đầy khoảng trống", Jones khuyến nghị.
Theo giới chuyên gia, một bước khác giúp Mỹ tăng năng lực quân sự là thúc đẩy sản xuất với các hợp đồng nhiều năm hoặc cam kết đặt hàng trước. Đồng thời, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng cần tìm kiếm cơ hội hợp tác sản xuất với những nước thân thiện. Nhiều công ty Mỹ từng làm điều tương tự như sản xuất HIMARS với Ba Lan, tên lửa đạn đạo chiến thuật PrSM với Australia, tên lửa chống hạm với Na Uy, hay hợp tác sản xuất các thành phần của tên lửa SM-6 và Tomahawk với Australia và Nhật Bản.
Quân đội Mỹ có kế hoạch tăng năng lực sản xuất hàng tháng đạn pháo 155 mm từ khoảng 14.000 quả lên 30.000 trong năm 2023 và hướng tới mục tiêu 90.000 sau đó. Lầu Năm Góc đã chi 80 triệu USD để tăng cường sản xuất Javelin với mong muốn gấp đôi sản lượng lên mức 4.000 tên lửa mỗi năm.
"Cơ sở công nghiệp quốc phòng của Mỹ đang tụt hậu nghiêm trọng và nếu không có những thay đổi cấp bách, Mỹ sẽ không thể đương đầu với cuộc chiến kéo dài hoặc ngăn chặn thách thức từ Nga và Trung Quốc", Jones cảnh báo.
Thanh Tâm (Theo Foreign Affairs)