Cá hồi Coho, còn được gọi là cá hồi bạc Oncorhynchus kisutch, có ý nghĩa rất lớn về kinh tế, văn hóa và sinh thái ở khu vực Bờ Tây nước Mỹ. Tuy nhiên trong vài thập kỷ gần đây, sau những trận mưa lớn vào mỗi mùa thu, cá thường chết với số lượng lớn, một hiện tượng bí ẩn khiến các nhà khoa học ráo riết tìm kiếm câu trả lời suốt nhiều năm.
Trong một báo cáo mới xuất bản trên tạp chí Science hôm 3/12, các nhà nghiên cứu từ Đại học Washington do Phó giáo sư Ed Kolodziej dẫn đầu cho biết họ đã tìm thấy manh mối quan trọng có thể làm sáng tỏ bí ẩn này.
Theo Kolodziej, thủ phạm giết chết cá hồi Coho nằm rải rác trên khắp các con đường ở Bắc Mỹ. Nó bắt nguồn từ một hợp chất chống oxy hóa có tên là 6PPD, được sử dụng để làm tăng độ bền của lốp xe trên toàn thế giới.
Trong quá trình hoạt động, lốp xe bị bào mòn và để lại các mảnh vi nhựa trên mặt đường. 6PPD trong chúng sau đó phản ứng với ozone để trở thành hóa chất khác - được gọi là 6PPD-quinone - một sản phẩm phụ chưa từng được báo cáo trước đây.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thu thập mẫu và xác nhận sự hiện diện của 6PPD-quinone trên khắp các con đường ở Bờ Tây. Loại hóa chất này độc hại với cá hồi Coho và khi bị cuốn trôi xuống các con suối sau mưa lớn, nó có thể gây ra cái chết hàng loạt của sinh vật.
"Chúng tôi tin rằng 6PPD-quinone là chất độc chính khiến tỷ lệ chết của cá hồi Coho tăng cao. Thật tuyệt khi chúng ta bắt đầu hiểu điều gì đang xảy ra vì nó cho phép giải quyết vấn đề hiệu quả hơn", Kolodziej chia sẻ.
Các tác giả của nghiên cứu cho biết việc xử lý và quản lý dòng chảy trước khi chúng đổ vào các con suối ven biển là một phần của giải pháp. Bên cạnh đó, những nghiên cứu phát triển "hóa chất xanh" để thay thế cho 6PPD trong lốp xe cũng rất cần thiết.
Cá hồi Coho có nguồn gốc từ Thái Bình Dương. Vào mùa thu hàng năm, chúng di cư ngược dòng tới các con sông, suối ở Bờ Tây để đẻ trứng và có thể được quan sát thấy từ Alaska đến tận California.
Đoàn Dương (Theo CNN)