Cục Hàng không Dân dụng Mỹ (FAA) ngày 14/6 thông báo điều tra về rủi ro an toàn hàng không sau khi truyền thông nước này cho biết một số phi cơ do Airbus, Boeing chuyển giao cho các hãng gần đây chứa hợp kim titan có nguồn gốc từ một nhà thầu Trung Quốc.
Một nhân viên công ty Trung Quốc có thể đã giả mạo thông tin trên giấy tờ chứng thực hợp kim titan trên các phi cơ Boeing 737, 787 Dreamliner và Airbus A220 được chế tạo trong giai đoạn 2019-2023. Truyền thông Mỹ không nêu rõ số lượng phi cơ chứa linh kiện titan bị nghi làm giả giấy tờ chứng thực.
Hãng Boeing đã báo cáo cho FAA về vấn đề này. Sau khi tiến hành thử nghiệm với các linh kiện titan, các quan chức FAA cho biết vấn đề này ít có khả năng đe dọa đến an toàn bay của các phi cơ đang được khai thác.
Titan là thành phần quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng không, được sử dụng để chế tạo hệ thống hạ cánh, tuabin cho máy bay.
Phát ngôn viên Spirit AeroSystems, công ty sản xuất khung thân máy bay và các bộ phận quan trọng khác cho Airbus và Boeing, đã tiến hành hơn 1.000 thử nghiệm, cho biết chất liệu titan trên một số phi cơ đạt chuẩn, nhưng vấn đề là giấy tờ bị làm giả.
"Chúng tôi xác định không có rủi ro an toàn, nhưng không thể truy tìm nguồn gốc của titan", phát ngôn viên nói, thêm rằng Spirit AeroSystems nhận titan đã qua xử lý từ các nhà thầu, không phải titan thô.
Hãng Boeing sẽ loại bỏ các linh kiện titan liên quan trên các phi cơ chưa chuyển giao cho các hãng. Hãng Airbus khẳng định các phi cơ A220 đang hoạt động đạt tiêu chuẩn an toàn sau khi kiểm tra.
Thông tin xuất hiện trong bối cảnh Boeing chịu nhiều áp lực, ảnh hưởng danh tiếng sau hàng loạt sự cố. Hãng bay Mỹ hồi tháng 4 cũng thông báo cho FAA về khả năng cánh của một số phi cơ 787 bị làm giả hồ sơ.
Đức Trung (Theo AFP, Reuters, CBS News)