Mặt hàng từ Việt Nam bị điều tra bán phá giá là lốp xe khách, xe tải hạng nhẹ. Cuộc điều tra được DOC khởi xướng trên cơ sở kiến nghị của Hiệp hội công nhân ngành thép Mỹ (USW), đại diện cho người lao động đang làm việc tại các nhà máy sản xuất lốp.
DOC cho biết, theo các cáo buộc, biên độ phá giá của lốp nhập từ Thái Lan lớn nhất, 106-217,5%, kế đến là Đài Loan (Trung Quốc) 21-116%, Hàn Quốc 43-195%, còn Việt Nam thấp nhất 5-22%.
Liên quan tới sự việc này, đại diện Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương Việt Nam) cho biết, cơ quan này đang tích cực phối hợp, làm việc với các bộ, ngành, doanh nghiệp để cung cấp cho phía Mỹ những thông tin chính xác nhất về chính sách phát triển ngành cao su, về chi phí sản xuất, giá bán của doanh nghiệp...
Năm 2019, Mỹ nhập khẩu lượng lốp xe trị giá khoảng 4 tỷ USD từ 4 quốc gia, vùng lãnh thổ nằm trong diện bị điều tra bán phá giá lần này, trong đó Việt Nam khoảng 500 triệu USD. Lượng nhập khẩu mặt hàng trên vào Mỹ tăng khoảng 20% so với năm 2017, sau khi căng thẳng Mỹ - Trung xảy ra.
Cũng theo Cục Phòng vệ thương mại, các biện pháp hạn chế thương mại, nổi bật là các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại... gia tăng nhanh chóng thời gian qua. Nửa đầu năm 2020, Bộ Công Thương đã xử lý 176 vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài áp dụng với hàng hoá xuất khẩu từ Việt Nam.
Cơ quan này đã liên tục có cảnh báo tới các doanh nghiệp, địa phương thận trọng trong quá trình xuất khẩu, nhất là khi kim ngạch xuất khẩu tăng cao, hàng hoá có thể trong "tầm ngắm" điều tra từ nước nhập khẩu.
Gần nhất, ngày 17/6, DOC cũng khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp với sản phẩm gỗ ván ép của Trung Quốc được nhập khẩu từ Việt Nam.
Anh Minh