"Tôi gửi kiến nghị tới tổng thống và ông ấy cho phép tôi thực hiện kế hoạch. Chúng tôi điều động 130 quân nhân tới khu vực Arbil, miền bắc Iraq, để có cái nhìn cận cảnh và đánh giá sâu hơn về việc chúng tôi có thể tiếp tục giúp đỡ ở đâu", AFP dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel nói.
Nhóm 130 người gồm lính thủy đánh bộ và lực lượng đặc nhiệm Mỹ. Thành phố Arbil, thủ phủ khu tự trị người Kurd ở Iraq, là địa điểm có lãnh sự quán Mỹ cùng nhiều cơ sở của Washington.
Một quan chức quốc phòng cho biết nhóm quân nhân trên còn thiết lập các biện pháp hỗ trợ nhân đạo, ngoài hình thức thả đồ tiếp tế, để hỗ trợ dân thường Iraq đang bị kẹt trên núi Sinjar sau những cuộc tấn công của phiến quân thuộc Nhà nước Hồi giáo (IS).
Bộ trưởng Hagel nhắc lại quan điểm của Tổng thống Mỹ Barack Obama về việc không đưa bộ binh tham chiến trở lại ở Iraq. "Tôi muốn nói việc này được thực hiện theo tiêu chí mà Tổng thống Obama đã nói rất rõ ràng, rằng Mỹ không muốn có thêm bất kỳ vai trò nào khác ngoài tìm cách hỗ trợ và cố vấn cho lực lượng an ninh Iraq", ông Hagel cho hay.
Theo Reuters, kể từ tháng 6, Washington đã điều động khoảng 700 quân nhân tới Iraq để bảo vệ nhà ngoại giao Mỹ và đánh giá năng lực quân đội Iraq. Ngoài ra, các cường quốc phương Tây và cơ quan hỗ trợ quốc tế đang xem xét tăng thêm hỗ trợ cho hàng chục nghìn người phải rời bỏ nhà cửa chạy tới khu vực biên giới Iraq - Syria. Ngoại trưởng John Kerry nói Mỹ sẽ xem xét những đề nghị hỗ trợ quân sự cũng như lĩnh vực khác nếu tân thủ tướng Haider al-Abidi thành lập chính phủ mới, đoàn kết Iraq.
Liên minh châu Âu hôm qua cũng bật đèn xanh cho quốc gia thành viên cung cấp vũ khí cho lực lượng người Kurd, phối hợp với Baghdad. Các nhà ngoại giao cho biết Pháp, Italy và Cộng hòa Czech ủng hộ cung cấp vũ khí nhưng hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ thực hiện điều này.
Như Tâm