Tuần dương hạm Antietam của hải quân Mỹ hôm 24/7 đi qua eo biển Đài Loan "nhằm thể hiện cam kết của Mỹ đối với một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở", phát ngôn viên Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ Clay Doss tuyên bố.
Ông Doss khẳng định các tàu hải quân Mỹ sẽ tiếp tục di chuyển, thực hiện hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.
Động thái này có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 8/7 phê duyệt hợp đồng bán cho Đài Loan 108 xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2T Abrams, 250 tên lửa phòng không vác vai Stinger và khí tài đi kèm có tổng trị giá 2,2 tỷ USD.
Đây là lô thiết bị quân sự lớn đầu tiên Mỹ bán cho Đài Loan trong nhiều thập kỷ. Washington tuyên bố việc bán vũ khí này là chính sách nhất quán của chính quyền Mỹ nhằm góp phần duy trì hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan.
Trong sách trắng quốc phòng công bố hôm 24/7, Bắc Kinh cáo buộc Washington phá hoại sự ổn định toàn cầu và tuyên bố không ngồi yên nếu bên nào có động thái chia tách Đài Loan khỏi Trung Quốc, thậm chí dùng mọi biện pháp quân sự cần thiết để đánh bại "phe ly khai" Đài Loan.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm cho rằng mối đe dọa từ chủ nghĩa ly khai Đài Loan đang gia tăng và cảnh báo những người đang tìm kiếm độc lập cho Đài Loan sẽ đi vào đường cùng. Tài liệu cũng cáo buộc Mỹ "kích động cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc, gia tăng đáng kể ngân sách quốc phòng và tăng cường năng lực của nước này trong lĩnh vực hạt nhân, vũ trụ, không gian mạng và phòng thủ tên lửa, gây bất ổn chiến lược toàn cầu".
Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết. Dù công nhận chính sách "một Trung Quốc", Mỹ vẫn duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan và bán vũ khí cho hòn đảo, nhưng thường không bán những khí tài hiện đại nhất để tránh gây căng thẳng với Bắc Kinh.
Mai Lâm (Theo Reuters)