NBC ngày 15/2 dẫn các nguồn thạo tin cho biết chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đề xuất Ukraine trao quyền sở hữu 50% lượng đất hiếm của nước này. Mỹ cũng sẵn sàng triển khai quân đội tới Ukraine để bảo vệ, nếu Kiev đạt thỏa thuận chấm dứt xung đột với Moskva.
Thỏa thuận sở hữu đất hiếm do Mỹ đề xuất sẽ là cách để Ukraine hoàn trả hàng tỷ USD vũ khí và viện trợ mà họ đã nhận được từ Washington kể từ khi nổ ra xung đột với Nga hồi tháng 2/2022, hai quan chức Mỹ giấu tên nói.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent đã trình bày về thỏa thuận sở hữu đất hiếm trong cuộc gặp với Tổng thống Volodymyr Zelensky tại Kiev hôm 12/2. Tuy nhiên, Tổng thống Zelensky từ chối ký vào bản dự thảo, nói rằng "cần nghiên cứu thêm và tham khảo ý kiến của những người khác", trước khi tới Đức dự Hội nghị An ninh Munich, nơi ông có cuộc gặp bên lề với Phó tổng thống Mỹ JD Vance và Ngoại trưởng Marco Rubio.

Phó tổng thống Mỹ JD Vance (thứ hai từ phải qua) và các quan chức Mỹ trong cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Munich, Đức, ngày 14/2. Ảnh: AP
Reuters đưa tin rằng Ukraine sau đó đã trình bày với Mỹ một bản dự thảo được sửa đổi. Tuy nhiên, cuộc đàm phán giữa ông Zelensky và ông Vance hôm 14/2 tại Munich kết thúc mà không đạt được thỏa thuận.
"Các nhóm của chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc về tài liệu này", ông Zelensky viết trên X, thêm rằng ông đã có "cuộc họp tốt đẹp" với Phó tổng thống Vance và Kiev "sẵn sàng tiến tới nền hòa bình thực sự và được đảm bảo càng nhanh càng tốt".
Vài tiếng sau đó, ông Zelensky cung cấp nhiều thông tin hơn khi trả lời báo giới. "Tôi không cho phép các bộ trưởng ký thỏa thuận vì nó chưa sẵn sàng. Thỏa thuận đó không bảo vệ chúng tôi, lợi ích của chúng tôi", ông nói và nhấn mạnh rằng thỏa thuận nên được "kết nối với các đảm bảo an ninh".
"Tôi chưa thấy mối liên hệ này trong tài liệu. Điều đó phải được thể hiện rõ ràng, nó rất quan trọng", ông cho biết.
Đất hiếm là khoáng sản quan trọng trong sản xuất thiết bị công nghệ cao như smartphone, pin xe điện...Đất hiếm gồm 17 nguyên tố kim loại và, trái với tên gọi, có trữ lượng tương đối dồi dào trong vỏ Trái Đất. Tuy nhiên, đất hiếm khó khai thác, lượng thu được so với số đất đá đào lên rất thấp.
Theo ước tính của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), trữ lượng đất hiếm ở Mỹ là 3,6 triệu tấn. Mỹ là quốc gia sản xuất đất hiếm lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc, quốc gia có trữ lượng đất hiếm hơn 40 triệu tấn. Trung Quốc từ lâu đã thống trị thị trường đất hiếm, chiếm tới 70% sản lượng khai thác và 90% công suất tinh luyện khoáng sản này.
Mỹ là bên viện trợ nhiều nhất cho Ukraine sau khi xung đột bùng phát với khoản hỗ trợ khoảng 175 tỷ USD. Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2024 ước tính đất hiếm ở Ukraine chiếm khoảng 5% tổng trữ lượng thế giới. Cơ quan Khảo sát Địa chất Ukraine cho biết nước này còn có lượng đáng kể các khoáng sản khác như lithium, titanium, zirconium.
Ngọc Ánh (Theo NBC, Reuters)