Phái đoàn Mỹ, do Ngoại trưởng John Kerry dẫn đầu, chứng minh sự can dự trong vấn đề Biển Đông bằng lời kêu gọi các bên dừng mọi hành động khiêu khích và thay đổi hiện trạng, chẳng hạn như việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào đặt gần Hoàng Sa hồi tháng 5.
Philippines trước đó cũng dưa ra đề xuất ba bước nhằm giảm căng thẳng trên Biển Đông, trong đó bước đầu tiên là các bên dừng mọi hoạt động thay đổi hiện trạng.
"Mỹ và ASEAN có chung trách nhiệm đảm bảo an toàn hàng hải của vùng biển, vùng đất và cảng biển quan trọng trong khu vực", ông Kerry nói trong lời phát biểu ở phần khai mạc Diễn đàn. "Chúng ta cần làm việc cùng nhau để quản lý căng thẳng (ở Biển Đông) và quản lý một cách hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế".
Tuy nhiên Trung Quốc bác bỏ đề xuất "đóng băng" này, và kêu gọi Mỹ không can dự vào tranh chấp. Ngoại trưởng Vương Nghị cho rằng không có vấn đề gì về hàng hải trên Biển Đông và khu vực này là "ổn định".
Trên thực tế, trong nhiều tháng qua, Trung Quốc đã liên tục xâm phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam và liên tục tranh chấp với Philippines trên Biển Đông. Ngoài hành động đặt giàn khoan trái phép ở gần Hoàng Sa, Trung Quốc còn tiến hành cải tạo thực địa ở các đảo và đá ở Trường Sa, thay đổi hiện trạng, trái với Tuyên bố về ứng xử Biển Đông DOC ký năm 2002 với các nước Đông Nam Á.
Tàu kiểm ngư Việt Nam bị tàu hải cảnh Trung Quốc áp sát mạn, phun vòi rồng tại vùng biển gần nơi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981. Ảnh: Nguyễn Đông
Ánh Dương