Các chuyên gia từ Đại học Chicago đang hợp tác với Phòng thí nghiệm Quốc gia Argonne thuộc Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) tại Lemont, bang Illinois để thúc đẩy nghiên cứu mạng lượng tử - một trong những công nghệ được xem là quan trọng nhất của thế kỷ 21.
Phát biểu trong cuộc họp tại Chicago vào hôm 23/7, DOE cho biết công nghệ mạng mới sẽ hoạt động song song với các mạng hiện có trên toàn cầu. Nó được xây dựng dựa trên các định luật cơ học lượng tử, cho phép kiểm soát và chia sẻ thông tin an toàn và hiệu quả hơn, có thể ứng dụng trong nghiên cứu khoa học, công nghiệp và an ninh quốc gia.
Công nghệ mạng lượng tử sẽ tìm cách khai thác các tính chất riêng biệt của nguyên tử, photon và electron để cải tiến sức mạnh của máy tính và các công cụ xử lý thông tin khác. Dựa vào cơ chế rối lượng tử (một hiệu ứng trong cơ học lượng tử mà ở đó, trạng thái lượng tử của hai hay nhiều vật thể có liên hệ với nhau ở khoảng cách lên tới nhiều năm ánh sáng), máy tính có thể chia sẻ thông tin xa hơn mà không cần kết nối vật lý.
"Đây là một công nghệ mới. Nó đang trở thành cuộc cạnh tranh toàn cầu. Những quốc gia lớn đều đã đưa ra những chương trình lượng tử riêng", Giáo sư David Awschalom tại Đại học Chicago, nhà khoa học cấp cao tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Argonne cho biết.
Trung Quốc, đối thủ công nghệ lớn nhất của Mỹ, hiện đi đầu thế giới trong việc phát triển mạng lượng tử. Quốc gia Đông Á này đã hoàn thành mạng lưới liên lạc lượng tử dài gần 2.000 km kết nối Bắc Kinh, Thượng Hải và nhiều thành phố khác, cho phép các công ty và ngân hàng trong nước tăng cường bảo mật thông tin.
Bộ Năng lượng Mỹ cho biết sẽ sử dụng 17 phòng thí nghiệm quốc gia để tạo thành xương sống của dự án.
Đoàn Dương (Theo CNET/CNBC)