Lệnh cấm đi lại được Mỹ và các đại diện từ Argentina, Brazil, Colombia, Chile và Peru thông qua tại cuộc họp ở Bogota hôm 3/12. Đây đều là thành viên của Hiệp ước Tương hỗ liên Mỹ (TIAR), một thỏa thuận cam kết bảo vệ lẫn nhau giữa các nước thuộc Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS).
TIAR hồi tháng 9 đã phê chuẩn quyết định điều tra, trừng phạt và dẫn độ các quan chức hàng đầu của chính phủ Tổng thống Venezuela Maduro với cáo buộc rửa tiền, buôn bán ma túy và khủng bố.
Danh sách những người bị cấm đi lại tại 15 nước TIAR bao gồm các quan chức thân cận của Maduro như Ngoại trưởng Jorge Arreaza, Bộ trưởng Quốc phòng Vladimir Padrino, Phó tổng thống Delcy Rodriguez và Diosdado Cabello. Đây được coi là một phần trong nỗ lực ngoại giao nhằm buộc Maduro từ chức.
Phó tổng thống Venezulea Cabello đã lên án mạnh mẽ lệnh cấm. "Tôi phản đối những âm mưu can thiệp của đế quốc và các đồng minh Bắc Mỹ vào vấn đề nội bộ của Venezuela. Venezuela cần được tôn trọng", ông tuyên bố hôm qua.
Julio Borges, người tham dự cuộc họp hôm 3/12 với tư cách là đại diện của lãnh đạo phe đối lập Venezuela Juan Guaido, cho biết khoảng 500 người có liên quan đến Maduro sẽ bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt khác nhau.
Khủng hoảng chính trị Venezuela tăng cao khi thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido tự xưng là tổng thống lâm thời hồi tháng 1 và nhận được sự hậu thuẫn của Mỹ cùng nhiều đồng minh. Dưới áp lực trừng phạt của Mỹ, kinh tế nước này cũng bị khủng hoảng nghiêm trọng, lạm phát tăng nhanh, thiếu thực phẩm, thuốc men cũng như nguồn điện năng cần thiết.
Tổng thống Maduro hiện vẫn nhận được sự ủng hộ của quân đội Venezuela cũng như Trung Quốc, Cuba, Nga và nhiều nước khác. Maduro nhiều lần chỉ trích Guaido là "con rối" của Mỹ, song cũng nỗ lực tìm phương án đàm phán với phe đối lập.
Ngọc Ánh (Theo Reuters)