Người phát ngôn của Nhà Trắng Jay Carney cho biết Washington quyết định áp đặt lệnh trừng phạt bổ sung với 7 quan chức và 17 công ty của Nga thuộc nhóm thân cận của Tổng thống Vladimir Putin. Trong số các mục tiêu chịu lệnh trừng phạt có Phó thủ tướng Dmitry Kozak và ông Igor Sechin, chủ tịch công ty dầu khí quốc doanh Rosneft.
Reuters dẫn nguồn tin ngoại giao cho hay Liên minh châu Âu (EU) cũng thống nhất áp dụng lệnh trừng phạt với 15 quan chức khác của Nga, với cáo buộc những người này có vai trò quan trọng trong cuộc khủng hoảng Ukraine.
Tuy nhiên, các nước thành viên EU hiện vẫn lưỡng lự chưa muốn làm theo đề nghị của Washington, đưa ra những biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh hơn vào thời điểm này.
Trước đó, các nước phương Tây mà đứng đầu là Mỹ tuyên bố mạnh mẽ kế hoạch áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt bổ sung nhằm vào Nga vì cho rằng Moscow không tuân thủ thỏa thuận Geneva.
Phát biểu trong cuộc họp báo tại Philippines, Tổng thống Barack Obama cho biết Mỹ sẽ công bố lệnh trừng phạt nhằm vào các cá nhân, doanh nghiệp công nghệ quốc phòng của Nga.
Đáp lại, phía Nga tỏ ra cứng rắn và cảnh báo Mỹ sẽ phải chịu tác động "đau đớn".
"Chúng tôi đương nhiên sẽ có hành động đáp trả. Chúng tôi chắc chắn rằng điều này sẽ có tác động đau đớn đến Washington", Interfax dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov hôm nay tuyên bố.
Tuy nhiên, ông Ryabkov không tiết lộ chi tiết các biện pháp trả đũa sắp tới, chỉ cho biết Moscow đã có một vài sự lựa chọn. "Nhà Trắng đã hoàn toàn xa rời thực tế và đang khiến cho cuộc khủng hoảng thêm leo thang", ông nói.
Quyết định trừng phạt của phương Tây cũng vấp phải sự phản đối của Trung Quốc. "Trên vấn đề quan hệ quốc tế, Trung Quốc phản đối việc đe dọa hoặc áp đặt các lệnh trừng phạt. Lệnh trừng phạt không giúp ích gì cho việc giải quyết vấn đề, mà còn gia tăng căng thẳng, không phù hợp với lợi ích của các bên", người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nói.
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc tỏ thái độ phản đối trước phương Tây kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra. Trước đó, Bắc Kinh luôn giữ thái độ thận trọng, đặc biệt không bình luận trực tiếp về cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea.
Đức Dương