Gần đây Thu Hồng đọc bài về việc dạy và học ở Mỹ. Mình, với tư cách hiện thời là giáo viên tiểu học tại Mỹ, viết bài này để làm rõ vài điểm chưa đúng trong bài của bạn Nguyễn Bằng. Năm học này (2016-2017) sẽ là năm thứ năm Thu Hồng đứng lớp (mình từng dạy 3 năm ở New Jersey, một tiểu bang phía Bắc Mỹ, 2 năm nay mình dạy ở Atlanta, thuộc tiểu bang Georgia, phía Nam của Mỹ).
Bạn Nguyễn Bằng nói ở Mỹ không có lưu ban là không đúng. Cách đây hai năm Thu Hồng cho một học sinh trong lớp lưu ban, học lại lớp 2. Có nhiều lý do cho việc phải quyết định cho học sinh nào đó ở lại lớp: hoặc em đó nghỉ học quá nhiều (15 ngày trở lên), hoặc em đó học lực quá kém, nhất là môn Đọc.
Để ra quyết định lưu ban là cả quá trình lâu dài, dựa vào nhiều yếu tố như nỗ lực của bản thân học sinh, sự giúp đỡ của thầy cô ở trường và sự quan tâm ủng hộ của phụ huynh. Khi cho học sinh lưu ban, giáo viên phải chịu trách nhiệm trước hiệu trưởng và phải giải trình rõ nguyên do (kèm theo bằng chứng như bài thi/mẫu chữ viết của học sinh, hay sô ́ngày nghỉ học).
Nói lâu dài vì quyết định lưu ban thường được đưa ra vào học kỳ cuối (bên này gọi là Term 4 hoặc Fourth semester), sau khi cân nhắc kỹ bảng điểm của 3 kỳ trước, sau khi học kỳ nào cũng đã gặp riêng với phụ huynh, sau khi nhà trường và nhất là cô giáo chủ nhiệm và cô giáo phụ đã tìm mọi cách hỗ trợ mà không mang lại kết quả.
Thu Hồng xin nói thêm về quá trình này. Có rất nhiều cách để hỗ trợ khi thấy học sinh học kém - kèm riêng (one-on-one) trong giờ học, thường khoảng 15 phút một lần, 3-4 lần/tuần; giao bài thêm; và nhất là cho học sinh đó vào quy trình RTI (Response to Intervention hay Phản ứng - Can thiệp).
Quy trình RTI gồm 3 giai đoạn (gọi là Tier). Ở giai đoạn 1, học sinh tham gia các hoạt động học tập như những em khác trong lớp. Giai đoạn 2, học sinh đó sẽ được kèm riêng nhiều hơn, và hàng ngày học theo nhóm nhỏ với các bạn cùng trình độ (ở phòng học khác, với cô giáo khác). Giai đoạn 3, sẽ có chương trình học riêng được viết cho em đó, sau khi có cuộc họp giữa giáo viên chủ nhiệm và các giáo viên liên quan, giáo viên hỗ trợ như giáo viên dạy ESL (dạy tiếng Anh), giáo viên giáo dục đặc biệt...
Và bạn Nguyễn Bằng nói ở bên này không có học thêm, dạy thêm cũng là không đúng. Ở Mỹ có học thêm, dạy thêm, chỉ khác về tính chất so với ở Việt Nam vì sẽ do nhà nước chi trả. Chẳng hạn trong trường hợp học sinh yếu kém, bố mẹ em có thể đăng ký với trường để gia sư đến nhà kèm. Gia sư thường là thầy cô, hoặc cán bộ làm trong vụ, sở giáo dục. Những người tham gia hoạt động gia sư sẽ có thêm khoản thu nhập do Vụ, Sở Giáo dục địa phương trả.
Ngoài ra, vào mùa hè, học sinh ở các trường thuộc Title 1, Title 2 va Title 3 (những trường trong khu vực dân có thu nhập thấp, khó khăn) có thể đăng ký học hè mà không phải trả tiền (summer school). Lương dạy hè của giáo viên ở những trường này là nhà nước trả. Những trường dạng này có nhiều ưu đãi so với các trường khác như: học sinh được miễn phí các bữa ăn (sáng và trưa), nhận được nhiều nguồn tài trợ và cơ sở vật chất...
Các bạn cũng bàn về nghề giáo bên này. Thu Hồng xin nói sơ sơ về lương như sau. Lương giáo viên trung bình là 35 đến 50 nghìn đôla một năm (bên này những ai làm cho nhà nước được trả lương theo năm), tùy kinh nghiệm, tùy loại trường (công, tư, hay bán công), và thành phố hay tiểu bang. Khoản lương này, tùy tiểu bang và quy định của từng thành phố, từng Sở Giáo dục, sẽ được chia đều cho 10 hay 12 tháng.
Như ở New Jersey thì nhận trong vòng 10 tháng, còn ở Georgia là 12 tháng. Nếu nhận trong 10 tháng thì 2 tháng hè không có lương, phải đi dạy summer school hoặc kiếm việc khác làm. Tính trung bình một giáo viên thu nhập khoảng 3.000-3.500 USD (trước thuế).
Theo như mình và những đồng nghiệp thì lương giáo viên vừa đủ sống chứ không dư dả, chỉ đủ để đóng thuế, và để trả nợ hóa đơn (bill). Kể sơ sơ cho mọi người chóng mặt, nếu một tháng thu nhập trung bình 3.000-3.500 USD (trước thuế) thì:
- Hoá đơn: Tiền nhà (trả góp hoặc thuê - 1.000 USD), tiền điện nước (200 USD), nước thải (50 USD), cáp TV và Internet (đắt và không tốt bằng ở VN - 150 USD), bảo hiểm xe (150 USD), bảo hiểm y tế (100 USD), thẻ tín dụng (trung bình 250 USD tuỳ mua sắm ít hay nhiều).
- Thuế: Thu nhập cá nhân (20%- 600 USD), nhà đất (500 USD).
- Sau khi cộng lại thì chỉ còn 50 USD để dành cho chi phí khác: đổ xăng, đồ ăn. Nếu từng là sinh viên thì còn phải nợ tiền học đại học (student loan - 200 USD).
Đúng là chỉ đủ trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày, không có dư để tiết kiệm. Bảo tại sao người Mỹ ít đi du lịch nước ngoài! Và chắc chắn không phải cứ ở Mỹ là giàu.
Hiện nay bên này giáo viên cũng kêu ca nhiều vì khối lượng công việc ngày càng lớn, áp lực về việc đánh giá hiệu quả của giáo viên tăng lên. Giáo viên làm việc không chỉ 7-8 tiếng trên lớp mà thường xuyên mang việc về nhà làm, hay phải tự trang trải chi phí cho lớp học của mình. Nhưng nhìn xung quanh, mình vẫn thấy nhiều, rất nhiều giaó viên yêu nghề, yêu trẻ, không quản ngại khó khăn, vất vả.
Đinh Thu Hồng
Giáo viên tại trường tiểu học Mount Zion Primary, bang Georgia